Ngày 1/4, tại tỉnh Thái Bình diễn ra buổi ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về nghiên cứu đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Dược – Sinh học tại Tỉnh Thái Bình giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình và Các nhà đầu tư: Quỹ Makara Capital partners, Sakae Corporate Advisory, CTCP Newtechco Group.
Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Y tế - Đỗ Xuân Tuyên, Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Vũ Tuấn Cường, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế - Nguyễn Minh Lợi, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - Nguyễn Khắc Thận, Phó chủ tịch UBND tỉnh - bà Trần Thị Bích Hằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - ông Nguyễn Tiến Thành cùng nhiều lãnh đạo tỉnh.
Cùng các bên ký kết, liên danh ký kết gồm 3 doanh nghiệp: Makara Capital Partners Pte., Ltd, Sakae Corporate Advisory Pte., Ltd và Công Ty Cổ phần Newtechco Group.
Đây được xem là một sự kiện quan trọng - sự kiện mà các nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp rất mong chờ và hy vọng mở ra cho các đầu tư/doanh nghiệp trong ngành công nghiệp dược nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghiệp Dược theo đúng chiến lược, chủ trương của ngành Dược và Chính phủ Việt Nam.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Dược – Sinh học tại tỉnh Thái Bình có mục tiêu là Đầu tư xây dựng hình thành khu công nghiệp tập trung, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ 2 phục vụ cho ngành công nghiệp Dược – Sinh học tại tỉnh.
Dự kiến Khu công nghiệp có quy mô 345,9 ha thuộc địa bàn 4 xã An Vinh, Quỳnh Xá, Quỳnh Trang và xã Đông Hải (huyện Quỳnh Phụ). Dự án có tổng mức đầu tư 3.650 tỷ đồng với mục tiêu thu hút đầu tư 2 tỷ USD, trong đó giai đoạn 2024- 2027 thu hút 800 triệu USD; giai đoạn 2028 - 2030 sẽ thu hút 1,2 tỷ USD.
Mục tiêu thu hút vốn đầu tư đăng ký giai đoạn 2024 - 2027 đạt khoảng 800 triệu USD, giai đoạn 2028 - 2030 khoảng 2 tỷ USD. Giai đoạn 2023 - quý 3/2024, hoàn tất các thủ tục pháp lý về phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương và phê duyệt phương án đền bù GPMB. Giai đoạn quý 4/2024 - 2027 đền bù GPMB theo phân kỳ các giai đoạn cụ thể của dự án và khởi công xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng. Giai đoạn lấp đầy KCN dự kiến 2030.
Với sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh, các nhà đầu tư ký biên bản quyết định đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Dược – Sinh học tại tỉnh Thái Bình. |
“Để thu hút đầu tư, hiện nay Thái Bình tập trung vào hạ tầng kết nối, đặc biệt là các tuyến đường bộ ven biển, tới đây là các tuyến đường cao tốc của tỉnh,... nhờ có vị trí địa lý và hạ tầng giao thông hiện nay đã được kết nối. Trong những năm qua, Thái Bình được xem là điểm đến của các nhà đầu tư đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài”, Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chia sẻ.
Một trong những dự án trọng điểm được kêu gọi đầu tư là được ưu tiên xây dựng mới 2 cơ sở hạ tầng khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư FIE chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vaccine, sinh phẩm y tế, thuốc sinh học giá trị kinh tế cao tại Miền Bắc, Miền Nam và Miền Trung.
Ông Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược ( ngoài cùng bên phải) đang xem dự án khu công nghiệp Dược - Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ. |
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ: “Tôi thực sự tin rằng Bản ký kết ngày hôm nay sẽ là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự hợp tác và khẳng định sự đúng đắn của chủ trương thu hút đầu tư, nhằm phát triển ngành công nghiệp Dược của Chính phủ Việt Nam. Tôi cũng tin tưởng sâu sắc về sự phối hợp, hợp tác, để bảo đảm các thỏa thuận, thống nhất được thực thi một cách hiệu quả trong thời gian tới và sẽ đem lại lợi ích cho người dân cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực Dược”.
Các lãnh đạo cục và các nhà đầu tư trong chuyến thăm tại Thái Bình. |
Tại buổi làm việc, đại diện các nhà đầu tư đã ký kết quyết định đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Dược – Sinh học tại tỉnh Thái Bình. Buổi ký kết được diễn ra thành công tốt đẹp bởi điều đó sẽ đem lại lợi ích cho sự phát triển, triển khai các chủ trương mới của ngành Dược Việt Nam.
Trong những năm gần đây, cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Dược Việt Nam đã và đang diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ. Sau hơn 20 năm đổi mới cùng nền kinh tế đất nước, ngành dược Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển.
Cụ thể như: thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh với tổng giá trị từ 3,4 tỷ USD trong năm 2015 lên đến 6,92 tỷ USD vào năm 2021 với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) là 10,6%, sản xuất trong nước chiếm khoảng 45% tổng giá trị tiền thuốc điều trị. Tiền thuốc bình quân đầu người năm 2021 đạt mức 73 USD, tăng 66.3 USD so với năm 2002, tăng 50.75 USD so với năm 2010, năm 2022 ước tính sẽ là 75 USD.