Theo tuyên bố của Hội luật gia Việt Nam, các hành động đặt giàn khoan tại địa phận Việt Nam, cho các tàu đâm vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam là bất chấp luật pháp quốc tế nghiêm trọng.
Ông Trần Công Trục (Luật gia, Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ) cho rằng, sự bất chấp của Trung Quốc là đáng lên án, bất thường và rất…buồn cười.
Vị trí giàn khoan cách đảo Lý Sơn khoảng 100 hải lý, cách ranh giới phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế 80 hải lý. Vì thế không thể nói khu vực trên thuộc vùng chồng lấn, lại càng không liên quan gì đến Tây Sa (Hoàng Sa) mà Trung Quốc đã đánh chiếm trái phép.
Bên cạnh đó, ông Trục một lần nữa tái khẳng định việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào phần lãnh thổ Việt Nam, sau đó yêu cầu tàu của Việt Nam phải rút trước khi ngồi vào bàn đàm phán là hành động có tính chất gây sức ép.
Theo đại diện Hội Luật gia Việt Nam, hành động này của Trung Quốc rõ ràng có một sự tính toán kỹ lưỡng và lựa chọn đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam mang tính thời điểm.
Theo ông Lê Minh Tâm (Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam) thì: Hiện tại, cả nhân loại đang hướng mắt theo dõi những diễn biến căng thẳng đang diễn ra tại C – rưm (Ukraina). Và Trung Quốc đã khôn khéo chọn đúng thời điểm nhạy cảm này để xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam. Tuy nhiên, hành động này của Trung Quốc đã ngay lập tức bị phê phán mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Hiện, Hội Luật gia Việt Nam đang chuẩn bị lập quỹ luật gia đầu tiên mang tên Phan Anh để trao giải thưởng cho những cá nhân, tổ chức có nghiên cứu xuất sắc về đấu tranh với vấn đề biển Đông.
Việt Nam sẽ thắng nếu kiện ra cơ quan tòa án Quốc tế?
Ông Trần Công Trục nêu ví dụ về Philippines, trước tình huống tương tự, quốc gia này đã thu thập hồ sơ, tài liệu để đệ trình lên tòa án quốc tế và được rất nhiều nước trên thế giới công khai bày tỏ sự ủng hộ.
“Chính vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa sự việc trên ra các cơ quan tòa án, tài phán quốc tế để đấu tranh cho chủ quyền của quốc gia trên biển Đông. Đây là việc làm rất đúng đắn, văn minh vào thời điểm này” – ông Trục nhấn mạnh.
Ông Trần Công Trục |
Bên cạnh đó, còn có những yếu tố chủ quan tác động nếu chúng ta đưa sự việc trên ra các cơ quan quốc tế. Đó là thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp. Đầu tiên là thái độ của các đương sự, thái độ của thẩm phán rồi đến các hành động “lốp – bi” của các bên liên quan. Vì thế, muốn thành công, Việt Nam phải kiên trì và có niềm tin.
Ông Tâm khẳng định dù thế nào, thì Trung Quốc cũng đã xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam và có những hành động sai trái rõ ràng, vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển 1982 mà chính Trung Quốc là thành viên.
“Với tư cách là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về luật biển, tôi khẳng định chắc chắn một điều rằng nếu Việt Nam đưa sự việc trên ra tòa án, các cơ quan tài phán quốc tế thì chúng ta chắc chắn thắng” – ông Trần Công Trục tự tin cho biết.