Hội nghị thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của IDLO, bao gồm đại diện của tất cả các Bên đã ký kết Hiệp định thành lập IDLO. Hội nghị được tổ chức thường niên vào quý cuối cùng của năm tại Rome, I-ta-li-a nơi có trụ sở chính của IDLO. Hội nghị có vai trò quan trọng trong việc kiểm điểm định kỳ các hoạt động của IDLO, quyết định các định hướng chính sách của tổ chức, phê duyệt kế hoạch hoạt động, ngân sách, bầu ra thành viên các cơ quan của IDLO (như Ban Điều hành, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc, các thành viên Hội đồng cố vấn, các Ủy ban của IDLO…).
Bầu thành viên các cơ quan của IDLO
Hội nghị năm nay đã bầu bổ sung và thay thế một số thành viên các cơ quan của IDLO, bao gồm: bầu bổ sung 01 thành viên Ban Điều hành là Pa-kit-xtan thay cho Mô –dăm-bích đã hoàn thành nhiệm kỳ 2 năm, bầu 03 thành viên của Ủy ban Kiểm toán và Tài chính là Pê-ru, Thổ Nhĩ kỳ và Hoa Kỳ thay cho 03 thành viên là Kenya, Hà Lan và Trung Quốc đã hoàn thành nhiệm kỳ 2 năm; đồng thời bầu I-ta-li-a là Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán và Tài chính.
Hội nghị cũng đã bầu thành viên Hội đồng cố vấn với nhiệm kỳ 4 năm (có thể gia hạn thêm một nhiệm kỳ). Hội đồng bao gồm các thành viên là các học giả, nhà khoa học, có đạo đức tốt, liêm chính, có thành tựu nghiên cứu và khả năng đóng góp hiệu quả cho công việc của Tổ chức; giàu kinh nghiệm về pháp quyền, pháp luật và các lĩnh vực phát triển. Trên cơ sở các hồ sơ đã được gửi về Ban Thư ký IDLO lựa chọn, trình Ban Điều hành xem xét, đưa ra Hội nghị, Hội nghị năm nay đã bầu 6 thành viên Hội đồng cố vấn gồm 01 Đại sứ (Đại sứ Ertugrul Apakan của Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên hợp quốc), 04 giáo sư (Giáo sư Cristiana Carletti, Giáo sư Stefan Hammer, Giáo sư Patricia G. Kameri-Mbote, Giáo sư Makau Mutua) và Tiến sỹ Hanno Scheuch.
Thông qua Kế hoạch Chiến lược 2017 – 2020 của IDLO
Hội nghị thường niên 2016 đã thông qua Kế hoạch Chiến lược 2017 – 2020 (gọi tắt là Chiến lược 2020). Chiến lược 2020 đề ra định hướng trong vòng bốn năm tới của IDLO gắn với Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 đã được Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9 năm 2015 vừa qua với sự thay đổi lớn trong chính sách phát triển quốc tế thông qua việc đưa tiếp cận công lý và pháp quyền trở thành một hợp phần quan trọng trong mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Trong bối cảnh quốc tế nhiều thách thức, Chiến lược 2020 của IDLO gắn với tầm nhìn của Liên hợp quốc đến năm 2030 thể hiện sự sẵn sàng của IDLO trong việc đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, phù hợp với các mục tiêu, tôn chỉ hoạt động và phù hợp với lợi thế so sánh của IDLO, đồng thời xác định các lĩnh vực mà IDLO sẽ đầu tư để tăng cường năng lực và nguồn lực của mình.
Chiến lược 2020 của IDLO hướng tới 3 mục tiêu tổng thể sau:
Mục tiêu 1: Người dân và các đối tượng yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người bị nhiễm HIV...) nhận biết và thực hiện được các quyền của mình;
Mục tiêu 2: Pháp luật và chính sách công bằng, thể chế hiệu quả, dễ tiếp cận và nâng cao trách nhiệm giải trình;
Mục tiêu 3: Nhà nước pháp quyền nhằm phát triển bền vững cả ở cấp quốc gia và cấp toàn cầu.
Để thực hiện các mục tiêu trên, IDLO sẽ thực hiện các hoạt động nhằm tăng cường hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, cùng với cộng đồng và các tổ chức xã hội hỗ trợ họ phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức về bảo vệ và thực hiện quyền; tăng cường năng lực của các cơ quan tư pháp và pháp luật, các tổ chức hỗ trợ cộng đồng; hỗ trợ cải cách tư pháp, pháp luật; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thông qua nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm các cơ chế nhà nước, các tổ chức xã hội và sử dụng công nghệ;
Hỗ trợ xây dựng thể chế pháp luật phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và điều kiện, hoàn cảnh của từng nước, hỗ trợ xây dựng các đạo luật về dân sự và thương mại nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển kinh tế; tăng cường năng lực của các cơ quan xây dựng pháp luật và sự tham gia của người dân trong xây dựng pháp luật; xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững thứ 16 của Liên hợp quốc và góp phần thực hiện các mục tiêu khác liên quan đến công bằng, bình đẳng giới, sức khỏe cộng đồng, đất đai, an ninh lương thực và các mục tiêu khác liên quan lĩnh vực hoạt động của IDLO; hỗ trợ các quốc gia trong xây dựng và thực hiện các kế hoạch, chiến lược thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; góp phần thảo luận xây dựng các chính sách của Liên hợp quốc về Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030, về pháp quyền; tăng cường hợp tác với các cơ quan của Liên hợp quốc bao gồm các cơ quan có trụ sở tại Rome.
Để thực hiện các mục tiêu và hoạt động nêu trên, IDLO xây dựng một kế hoạch huy động nguồn lực mới, dự kiến sẽ thông qua vào đầu năm 2017. Kế hoạch này có tham vấn các nhà tài trợ hiện tại và các nhà tài trợ tiềm năng. Trọng tâm của Kế hoạch là chất lượng, khả năng dự báo, tính bền vững của nguồn lực và sự tăng trưởng. Kế hoạch mới nhằm bảo đảm lợi ích thu được trong khi xác định các nguồn lực mới các nhà tài trợ là các quốc gia và các quỹ tài chính khu vực tư nhân. Để sử dụng hiệu quả các nguồn lực, IDLO sẽ tăng cường báo cáo các nhà tài trợ, bao gồm cả báo cáo tác động, tăng cường năng lực nội bộ; xây dựng và giới thiệu kế hoạch chiến lược rõ ràng hơn để huy động nguồn lực.
|
Toàn cảnh Hội nghị. |
Diễn đàn đối tác về pháp quyền nhằm phát triển bền vững
Nhân Hội nghị thường niên 2016, IDLO đã tổ chức diễn đàn đối tác về pháp quyền nhằm phát triển bền vững gắn với Kế hoạch Chiến lược của IDLO và của Liên hợp quốc. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về pháp quyền và tiếp cận công lý.
Các chuyên đề thảo luận bao gồm: chuyên đề về pháp quyền tạo nên sự phát triển bền vững; chuyên đề về thực tiễn xây dựng pháp quyền – tăng cường năng lực, tính liêm chính và sự độc lập của các cơ quan tư pháp, phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy phát triển kinh tế; chuyên đề về trao quyền cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, người nghèo và các đối tượng yếu thế, chống phân biệt đối xử và tăng cường tiếp cận công lý.
Diễn đàn do ngài Nawaf Al-Mahamel, Chủ tịch IDLO, bà Irene Khan, Tổng Giám đốc IDLO và Đại sứ Brazil tại Liên hợp quốc Antonio de Aguiar Patriota (từng là một trong các Trưởng nhóm đàm phán Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 của Liên hợp quốc) chủ trì với sự tham dự của các diễn giả: Tổng chưởng lý Afghanistant Mohammad Farid Hamidi, Tổng chưởng lý Myanmar Htun Htun Oo, Chánh án Tòa án tối cao Paraguay Alicia Beatriz Pucheta de Correa, Bộ trưởng phụ trách hợp tác quốc tế về chống tham nhũng của I-ta-li-a Alfredo Durante Mangoni, Trưởng nhóm pháp luật tài chính Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu Jelena Madir và Chánh án Tòa án cấp cao Nam Phi Dunstan Mlambo. Tham dự diễn đàn còn có đại diện các nước, các trường đại học và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Các đại biểu đã cùng thảo luận về các biện pháp, cách thức để xây dựng nhà nước pháp quyền và tiếp cận công lý nhằm góp phần phát triển bền vững, xây dựng hòa bình và xã hội công bằng. Đặc biệt, Diễn đàn đã thảo luận về khả năng thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững thứ 16 của Liên hợp quốc. Diễn đàn đã khẳng định nhà nước pháp quyền là công cụ thiết yếu nhằm thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030. Diễn đàn cũng đã thảo luận về xây dựng thể chế và tiếp cận công lý nhằm duy trì nền hòa binh, an ninh, phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế. IDLO tin tưởng rằng một nền tư pháp cần bảo đảm từ hai phía: phí cơ quan nhà nước phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, bảo đảm sự trung thực và trách nhiệm giải trình; phía người dân phải nhận thức và thực hiện được các quyền của mình.
Bà Irene Khan, Tổng Giám đốc IDLO nhấn mạnh rằng, thể chế hiệu quả là yếu tố quan trọng bảo đảm công bằng, bảo đảm việc thực hiện các quyền và thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, chỉ riêng thể chế không thì không đủ. Nếu chính sách và pháp luật có sự phân biệt đối xử sẽ làm trầm trọng thêm sự bất công, làm ngăn chặn các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội thực hiện các quyền của mình, do đó cần đấu tranh chống lại sự phân biệt đối xử, tăng cường tiếp cận công lý.
Diễn đàn do Bộ Ngoại giao I-ta-li-a tổ chức tại trụ sở của Bộ Ngoại giao ngay sau Hội nghị thường niên của IDLO. IDLO là tổ chức liên chính phủ, các chương trình, nghiên cứu, chính sách do IDLO thực hiện đều hướng tới các mục tiêu nhằm thúc đẩy pháp quyền, hỗ trợ các chính phủ cải cách pháp luật, tăng cường thể chế nhằm thúc đẩy hòa bình, công lý và các cơ hội phát triển kinh tế. IDLO có trụ sở chính tại Rome, các văn phòng chi nhánh tại La hay, văn phòng bên cạnh Liên hợp quốc tại New York và Geneva, các văn phòng đại diện tại các nước: Afghanistan, Honduras, Indonesia, Jordan, Kenya, Kyrgyzstan, Liberia, Mali, Mongolia, Myanmar, Somalia, South Sudan và Tajikistan.