Việt Nam và Hoa Kỳ nỗ lực xử lý các điểm nóng dioxin

(PLO) -Sau khi xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Xử lý các điểm nóng dioxin tại Việt Nam không chỉ khắc phục hậu quả chiến tranh mà còn mở cánh cửa hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Shannon và Thượng tướng Nguyễn Phương Nam - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam thị sát sân bay Đà Nẵng
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Shannon và Thượng tướng Nguyễn Phương Nam - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam thị sát sân bay Đà Nẵng

Trong giai đoạn 2010-2015, sau khi tiến hành điều tra làm rõ hiện trạng ô nhiễm dioxin tại một số vùng bị phun rải, điểm tập kết chất độc hóa học trước đây, tập trung vào các khu vực ô nhiễm nặng như sân bay Đà Nẵng, Biên Hoà, Phù Cát và khu vực lân cận, đến nay đã xác định được phạm vi và khối lượng đất, trầm tích nhiễm dioxin trên ngưỡng cho phép theo QCVN45:2012/BTNMT tại sân bay Đà Nẵng là 148.000m3, sân bay Phù Cát là 7.500m3, sân bay Biên Hòa là 500.000m3. 

Thiếu tướng Bùi Anh Chung - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (chủ đầu tư dự án) cho biết, sân bay Đà Nẵng có khoảng 148.000m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin. Từ tháng 6/2011, dự án xử lý môi trường nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng do Chính phủ Mỹ tài trợ đã được khởi công. Ngày 9/8/2017, tại sân bay Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã ký thỏa thuận bàn giao 12,7 hecta đất đã được xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng cho Bộ Giao thông Vận tải quản lý.

Đây là đợt bàn giao đất thứ 2 nhằm phục vụ công tác xây dựng, mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng. Diện tích 5,97ha đất sạch sau xử lý bàn giao đợt 1 (hồi tháng 5/2016) đã được bàn giao cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam xây dựng công trình sân đỗ mở rộng và đường lăn E7 phục vụ Hội nghị APEC năm 2017. Cho đến nay, dự án đã xử lý trên 90.000m3 đất và bùn ô nhiễm, đồng thời cô lập khoảng 60.000m3 đất và bùn có nguy cơ thấp.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Thomas Shannon cho rằng, dự án tại sân bay Đà Nẵng là một trong những biểu tượng của mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam đang phát triển. Sự thành công của dự án là minh chứng cho thấy cả hai nước có thể biến các vấn đề trong quá khứ thành những lĩnh vực hợp tác. Thứ trưởng Thomas Shannon cũng nhấn mạnh, dự án xử lý dioxin tại Sân bay Đà Nẵng đã tạo điều kiện để Đà Nẵng có thể mở rộng sân bay, giúp đem đến sự thịnh vượng và phát triển cho người dân Việt Nam.

Tháng 9 vừa qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tổ chức Lễ khởi công Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Dự án gồm các hạng mục chính: Rà phá bom mìn; xây dựng hạ tầng, đường giao thông; khoanh vùng, chống lan tỏa chất dioxin; di chuyển các công trình đơn vị quân đội ra khỏi khu vực bị ô nhiễm. Đây là bước chuẩn bị cụ thể về hạ tầng, kỹ thuật và các điều kiện cần thiết, sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ và các đối tác quốc tế để triển khai Dự án xử lý tổng thể dioxin tại sân bay Biên Hòa. 

Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc dioxin có tổng giá trị 270 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, do Quân chủng Phòng không - Không quân làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa hoàn thành sẽ hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ phơi nhiễm dioxin cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sinh sống tại khu vực trong và ngoài sân bay. Đây cũng là việc đầu tư, chuẩn bị về hạ tầng, kỹ thuật và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng thực hiện “Dự án xử lý tổng thể chất độc hóa học dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa” (dự kiến khởi công vào cuối năm 2017) bằng nguồn kinh phí ODA không hoàn lại của Hoa Kỳ và một số đối tác quốc tế có thiện chí với tổng kinh phí khoảng 500 triệu USD.

Khu vực sân bay Biên Hòa được xác định là một trong những điểm nóng về ô nhiễm chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam. Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chính của quân đội Mỹ, dùng chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra 4 vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa ra ngoài với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam. Theo các chuyên gia, khu vực này là nơi nhiễm chất độc dioxin có nồng độ nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới. 

Đọc thêm