Những trở ngại phải vượt qua
Chính phủ Việt Nam hiện nay đặt ngành du lịch vào vị trí trung tâm trong tăng trưởng kinh tế của đất nước trong tương lai. Du lịch cũng là ngành được nhắc đến trong các mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 được nêu trong các văn kiện được công bố tai kỳ đại hội đảng được tổ chức hồi đầu năm.
Các số liệu từ Hội đồng du lịch và đi lại thế giới cho rằng giá trị của ngành du lịch, bao gồm cả chi tiêu trực tiếp và gián tiếp, chiếm gần 10% GDP của Việt Nam trong năm 2015. Đây là một con số tương đối lớn và ngành du lịch của Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức trung bình khoảng 6,5% trong thập kỷ tới.
Dĩ nhiên, những ai từng đến Việt Nam đều biết được rằng có một số trở ngại mà Việt Nam phải vượt qua để ngành công nghiệp du lịch của nước này đạt được tính hiệu quả tương đương với các nước mạnh về du lịch trong khu vực như Thái Lan.
Các lĩnh vực cần cải thiện này đã được xác định rõ trong bản kế hoạch 12 điểm được công bố cùng thời điểm với bản kế hoạch phát triển kinh tế nói trên. Có thể kể đến ở đây một số vấn đề cần phải cải thiện là cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và tăng tính hiệu quả cũng như cạnh tranh của ngành du lịch.
Cơ sở hạ tầng là một vấn đề gây ngạc nhiên với bất cứ ai từng muốn di chuyển ở Việt Nam bằng đường bộ hay hệ thống đường sắt. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng Việt Nam cũng đã có những bước tiến lớn trong lĩnh vực hàng không nội địa trong những năm gần đây với việc ra mắt những hàng hàng không giá rẻ mới và chương trình nâng cấp các sân bay, trong đó đáng chú ý nhất là các sân bay ở Đà Lạt, Nha Trang và Đà Nẵng.
Nguồn năng lực và hiệu suất nhiều khả năng vẫn là những thách thức lớn nhất. Toàn bộ hệ thống giáo dục, cụ thể là đào tạo nghề phục vụ cho các khách sạn, cần phải đại tu nhanh chóng. Hầu hết các nhà bình luận trong nước đều thừa nhận rằng hệ thống giáo dục của Việt Nam đã lỗi thời và nặng về lý thuyết. Việc xây dựng một lực lượng lao động hiện đại và có năng lực nhiều khả năng sẽ mất thời gian.
Quỹ tiếp thị quá thiếu ?
Ngành du lịch của Việt Nam trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn không thể bắt kịp được các nước láng giềng trong khu vực do sự thiếu thốn đến mức đáng ngạc nhiên nguồn quỹ cho hoạt động tiếp thị đất nước ra trường quốc tế.
Xu thế này đang diễn ra bất chấp việc ngành du lịch là một trong những ngành công nghiệp lớn, một trong những khu vực phát triển chủ chốt của đất nước trong các kế hoạch phát triển kinh tế thời gian tới.
Theo Tổng cục du lịch Việt Nam, ngân sách hàng năm cho việc thúc đẩy ngành du lịch của Việt Nam hiện nay chỉ là khoảng 2 triệu USD. Vâng, bạn vừa đọc đúng chứ không hề nhầm đâu. Đây là toàn bộ ngân sách để tiếp thị du lịch của Việt Nam. Số tiền này thậm chí còn không mua được một suất quảng bá trên kênh CNN.
Để có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này, hãy so sánh với các nước đứng đầu trong khu vực về lượt khách quốc tế đến thăm là Thái Lan, Singapore và Malaysia. Số tiền 2 triệu USD mà Việt Nam dành cho việc xúc tiến du lịch chỉ chiếm 2,9% ngân sách của Thái Lan dành cho hoạt động này, bằng 2,5% ngân sách của Singapore và chỉ tương đương 1,9% khoản đầu tư của Malaysia dành cho hoạt động quảng bá để thuyết phục người nước ngoài đến nước này.
Trên thực tế, ngành công nghiệp du lịch của Việt Nam không hẳn là sụt giảm. Trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành này đều đặn đạt mức tăng trưởng gần 6,5% mỗi năm và được dự báo sẽ còn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng này trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành này đang không tận dụng được lợi thế sẵn có của mình do thiếu đầu tư và đang bị nhiều nước láng giềng trong khu vực vượt mặt.
Cụ thể, cũng trong giai đoạn 5 năm qua, ngành du lịch ở Thái Lan và Singapore đã đạt tốc độ tăng trưởng lần lượt là 12% và 10%. Thậm chí tăng trưởng của ngành du lịch cũng đạt tốc độ tăng trưởng là 15%, tức hơn gấp đôi tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam.
Tín hiệu mới
Giới chức du lịch Việt Nam đã có những chỉ dấu cho thấy ý định của họ trong việc tăng cường nguồn quỹ cho hoạt động tiếp thị Việt Nam như một điểm đến du lịch quốc tế. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện đang đề xuất tăng cường ngân sách lên thành 5,25 triệu USD, đồng thành lập một quỹ thúc đẩy du lịch với khoản đầu tư ban đầu khoảng 13 triệu USD.
Tuy nhiên, kể cả với khoản tăng này, tổng ngân sách của Việt Nam để thúc đẩy ngành du lịch vẫn còn thua xa so với các đối thủ trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đặt những mục tiêu đầy tham vọng cho ngành này.
Theo các thông tin được công bố, Việt Nam hiện đang muốn tăng gấp đôi số lượt khách quốc tế và lợi nhuận từ ngành du lịch vào năm 2020 so với con số 7,9 triệu lượt khách và 15,1 tỉ doanh thu của năm 2015.
Bên cạnh đó, kế hoạch xây dựng quỹ được nói ở trên cũng bộc lộ một số vấn đề cần phải tính toán kỹ, cụ thể là ý định dài hạn thu hút 70% đầu tư từ những người hưởng lợi từ ngành du lịch. Những người hưởng lợi từ ngành du lịch ở đây có thể chính là những nhà cung cấp dịch vụ du lịch được cấp phép và khách sạn.
Nếu khoản tiền để đầu tư được nêu trong bản kế hoạch được thu dưới hình thức tiền thu bổ sung trên khoản thu nhập chịu thuế của các đối tượng được hưởng lợi từ ngành du lịch nói trên thì việc này có thể kéo tăng trưởng của ngành du lịch xuống thấp hơn.
Nên làm tương tự Thái Lan?
Phát biểu ở một hội nghị xúc tiến du lịch ở Quảng Nam mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói rằng việc thiếu sáng tạo, chứ không phải thiếu tiền, mới là vấn đề. Để chứng minh cho nhận định của mình, ông Huệ cho biết một đoạn video kéo dài 9 phút với các phiên bản được chuyển sang 9 thứ tiếng do Tổng cục du lịch Việt Nam (VNAT) sản xuất đã có hiệu quả đáng kể trong việc tiếp thị Việt Nam ra thế giới.
Nhưng theo tìm hiểu, bản tiếng Anh của kênh VNAT YouTube có 112 lượt xem, bản tiếng Nhật có 59 lượt xem và bản tiếng Trung có 38 lượt. Đoạn video này ở các ngôn ngữ khác cũng được đăng tải trên nhiều trang web xúc tiến du lịch chính thức của Việt Nam. Đoạn video này được công bố hồi tháng 9/2015.
Theo các số liệu thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam, hơn 70% khách quốc tế tới Việt Nam không trở lại lần thứ 2. Các vấn đề liên quan đến an ninh cá nhân, tắc đường và tai nạn xe cộ, ô nhiễm, dịch vụ và cơ sở hạ tầng kém là những nguyên nhân chính của tình trạng này được nêu ra.
Vì vậy nên việc chính phủ Việt Nam tập trung năng lực để giải quyết các vấn đề này, khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực có thể giúp thu hút những khách du lịch đã từng chọn đến Việt Nam từ trước.
Sau tất cả, trong bối cảnh các đối thủ của Việt Nam như Thái Lan và Malaysia đang phát triển mạnh mẽ ngành du lịch hay các nước như Lào và Myanmar đều đang tiếp thị khá hiệu quả hình ảnh của đất nước họ tới những người sắp quyết định lần đầu tiên đến thăm đất nước của họ thì Việt Nam có lẽ cũng nên làm việc tương tự.