Chờ mong gì ở quỹ phát triển du lịch?

(PLO) - Tại Hội nghị quốc gia về du lịch tổ chức tại Hội An vào ngày 9/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thành lập quỹ phát triển du lịch, quỹ sẽ được đấu thầu để chọn đơn vị quản lý. Xung quanh vấn đề này vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau...
 
Xúc tiến, quảng bá đang là vấn đề quan trọng hiện nay của ngành Du lịch
Xúc tiến, quảng bá đang là vấn đề quan trọng hiện nay của ngành Du lịch

10 năm ấp ủ ý tưởng 

Không phải đến bây giờ câu chuyện thành lập quỹ phát triển du lịch mới được đưa ra. Thực tế, vấn đề này đã được đề cập từ 10 năm trước, nhưng ý tưởng này cũng không có gì hơn ngoài những phác thảo sơ bộ giấy. 

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về một số nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho du lịch Việt Nam, trong đó có việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Quyết định này của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho việc hiện thực hóa ý tưởng tăng nguồn lực thúc đẩy du lịch đã được ấp ủ trong nhiều năm, nhưng mong chờ này cũng chỉ dừng lại ở đó.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, quỹ phát triển du lịch đã có trong luật từ năm 2005, nhưng sau 10 năm vẫn chưa được thực hiện. Trước yêu cầu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch đã trình đề án cho Chính phủ và được Chính phủ thẩm định, giao cho Bộ Tài chính kiểm tra. Tại Hội nghị Du lịch toàn quốc diễn ra vừa qua Thủ tướng mới chính thức quyết định  thành lập qũy và yêu cầu Bộ Tài chính ngay trong tháng 8 này lên đề án trình Thủ tướng để ban hành chính thức.

Thực ra trước đó, thời điểm năm 1988 - 1990,  Việt Nam cũng đã thành lập quỹ tài chính tập trung của ngành du lịch. Ban đầu, quỹ giúp tái đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến quảng bá từ đó làm tăng doanh thu ngành du lịch, nhưng do cơ chế tách nhập của các bộ, ngành nên không có đơn vị quản lý, Quỹ này  đã phải giải tán…

Còn nhiều băn khoăn

Về nguyên tắc, Thủ tướng  đã đồng ý thành lập quỹ, nhưng ai là đơn vị quản lý, nguồn thu của quỹ từ đâu và việc triển khai quỹ này như thế nào, tính minh bạch và hiệu quả ra sao đang là câu hỏi đang được nhiều người quan tâm. 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung, Chính phủ sẽ tiến hành theo quy chế thị trường là đấu thầu, tổ chức hoặc cơ quan nào có năng lực quản lý điều hành quỹ hiệu quả nhất sẽ giao cho đơn vị đó. Mục đích của việc đấu thầu là thành lập một tổ chức quản lý quỹ để giúp cho việc quản lý hiệu quả và từ đó giám sát, thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu được tốt hơn. 

Phần lớn các DN du lịch đều cho rằng việc thành lập Qũy phát triển du lịch là cần thiết, tuy nhiên  đang rất băn khoăn về cách thức vận hành. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Tranviet Travel  cho rằng, đấu thầu chỉ là bài toán ban đầu, quan trọng là triển khai, định hướng, sử dụng quỹ như thế nào. “Cơ quan quản lý cần đưa ra những bài toán xúc tiến du lịch hiệu quả nhất, sử dụng vòng vốn tốt nhất, đó mới là điều các DN quan tâm...”, ông Đạt đề nghị.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Hanoitourist  cho rằng, cơ quan nào đứng ra quản lý quỹ này thì cần có biện pháp hoặc kế hoạch để phát triển du lịch rõ ràng, một năm có bao nhiêu sự kiện thường niên, bao nhiêu sự kiện đột xuất, tính hiệu quả ra sao.

“Người cầm tiền cần có kế hoạch tốt và thực hiện đúng theo cơ chế của Nhà nước, có thể chi trước giải trình sau giống như Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cũ của TP HCM đã từng làm. Sử dụng tiền kiểu “tiềm trảm hậu tấu”, chi trước nhưng sai thì chịu phạt. Chúng ta nên học các nước đã làm tốt vấn đề này”, ông Kế đề nghị.

Phó Giám đốc Tranviet Travel cũng đề nghị cần có cơ chế xây đựng quỹ. “Ngân sách nhà nước chi 300 tỷ đồng là một phần, sau đó cần có sự đóng góp từ những đơn vị hưởng lợi từ quỹ đó như các công ty du lịch, khách sạn...”, ông Đạt nói. Theo ông, còn một nguồn tiền nữa có thể sử dụng để bổ sung luôn cho quỹ là “tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế”.

Ông Đạt cho biết, DN nộp tiền ký quỹ vào tài khoản tại ngân hàng và được ngân hàng trả lãi cho số dư tiền gửi ký quỹ này. Tiền ký quỹ của DN kinh doanh lữ hành quốc tế được sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp DN không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh lữ hành. 

Hiện nay, DN kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam phải nộp với mức 250 triệu đồng và 500 triệu đồng đối với DN kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài hoặc kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam. Số lượng các DN này rất lớn, nhưng hiện nay,  số tiền ký quỹ này đang hưởng lãi suất không kỳ hạn nên tiền lãi rất thấp. Cần có chính sách đổi thành có kỳ hạn và lấy số tiền lãi này nộp vào quỹ phát triển du lịch, hoặc có thể thu một vài USD của khách quốc tế ngủ ở khách sạn khi đến Việt Nam giống một số nước đã làm, số tiền này sẽ đóng vào quỹ… “Nhưng việc làm này cần được cân nhắc vì để tránh tình trạng tăng phí, làm đắt đỏ hơn các dịch vụ”, ông Đạt lưu ý.

Giám đốc Hanoitourist, ông Lưu Đức Kế cũng băn khoăn về tính minh bạch của quỹ: Nhà nước chi nhưng lại “đẻ” ra một bộ máy để tiêu tiền đó thì không ổn, cần có tính toán cho hiệu quả. Ông Kế đề nghị nên có cơ chế minh bạch, công khai các khoản chi, cơ quan hay cá nhân quản lý quỹ tiêu tiền sai mục đích thì phải phạt mạnh tay xử lý theo quy định của pháp luật và phải rút kinh nghiệm ngay sau đó.

“Vấn đề chi tiêu quỹ như thế nào là vấn đề rất nghiêm trọng mà các DN quan tâm và rất băn khoăn. Nếu quỹ chi tiêu không hiệu quả thì  sẽ làm hao tổn tài sản quốc gia và ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của ngành Du lịch”, Phó Giám đốc Tranviet Travel Nguyễn Tiến Đạt phát biểu.

Đọc thêm