Viết tiếp hành trình “Bồi đắp tâm hồn”

(PLVN) - Người ta mong chờ Tết, những người làm báo Pháp luật Việt Nam chúng tôi mong chờ tháng 7 - tháng của sự sum vầy, đoàn tụ, tháng của nghĩa tri ân.
Viết tiếp hành trình “Bồi đắp tâm hồn”

Ngày 10/7/1985, tờ “Pháp luật thường thức” - phiên bản đầu tiên của Báo Pháp luật Việt Nam được xuất bản và phát hành đến tay bạn đọc. Điều đó cũng có nghĩa ngày 10/7 là ngày sinh nhật của “chúng tôi” - Báo Pháp luật Việt Nam. Hơn 10 năm nay, không chỉ cùng gặp nhau bên bánh kem, hoa và nến sinh nhật, mỗi dịp tháng 7, chúng tôi - những người làm báo Pháp luật Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc lại cùng nhau về với miền của những khúc tráng ca, thực hiện những chuyến đi “Bồi đắp tâm hồn”, tri ân tháng 7 miền Trung.

Đã có nhiều bài viết chúng tôi trải lòng mình về những chuyến đi nghĩa tình ấy. Những địa chỉ chúng tôi đến viếng thăm đã thành thông lệ, đây Ngã ba Đồng Lộc, nơi có anh hướng dẫn viên đọc bài thơ với tiếng gọi “Cúc ơi!.....” da diết tâm can; đây Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Vẫn là những cung đường ràn rạt nắng gió miền Trung… nhưng năm nào cũng thế, xúc cảm chảy tràn trên những trang viết, nước mắt nghẹn ngào rưng rưng...

Với những phóng viên trẻ lần đầu đặt chân đến mảnh đất Quảng Trị, xúc cảm có thể chỉ là dòng điện chạy thẳng vào tim khi chị đồng nghiệp đi cùng khe khẽ nhắc trước khi xe dừng cửa mở: Ở đất này, nơi nào cũng có các anh đấy! Ở lần đi thứ 2, có thể là những giọt nước mắt khi chứng kiến những người phụ nữ héo hon giữa bạt ngàn những nấm mộ để tìm tên người yêu, tên chồng, tên con mình… Để rồi lần đi thứ 3 là lòng biết ơn vô hạn, là những câu hỏi về trách nhiệm của người trẻ phải làm gì cho xứng đáng với máu xương của cha anh.

Tri ân miền Trung dịp tháng 7 trở thành hoạt động thường niên của Báo Pháp luật Việt Nam.

Tri ân miền Trung dịp tháng 7 trở thành hoạt động thường niên của Báo Pháp luật Việt Nam.

Ở những chuyến đi đó, chúng tôi không chỉ đến các nghĩa trang tưởng nhớ người đã khuất mà còn thực hiện mệnh lệnh của trái tim, bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với mảnh đất miền Trung nắng gió “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, nơi hứng chịu hàng nghìn tấn bom đạn. Lòng biết ơn của chúng tôi thể hiện qua hàng ngàn tờ báo gửi tới bà con vùng sâu, vùng xa còn thiếu thông tin, thể hiện qua những “ngôi nhà Tư pháp”, những cuốn sổ tiết kiệm hỗ trợ các cán bộ ngành Tư pháp, tặng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình còn khó khăn trong cuộc sống...

Cứ thế, cứ thế, những người làm báo Pháp luật Việt Nam chúng tôi người lớn dẫn người bé, người trước dẫn người sau, chúng tôi kề vai nhau trong những xúc cảm thiêng liêng, biết ơn và tràn đầy tự hào trong những chuyến tri ân miền Trung như vậy.

“Qua những chuyến đi tri ân miền Trung, những người làm báo Pháp luật Việt Nam không chỉ hiểu hơn về những vùng đất lịch sử, về sự hy sinh và tinh thần bất khuất, kiên cường của các thế hệ cha anh đi trước, mà hơn cả là sự biết ơn sâu sắc đối với người đã khuất. Để rồi trên hành trình đi và viết của mình, những người làm báo chúng tôi luôn giữ vững một trái tim nóng bỏng, nhiệt huyết với nghề và có trách nhiệm hơn với cuộc đời trên từng trang viết cũng như trong cuộc sống”, Tiến sĩ Đào Văn Hội - nguyên Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam - người đưa ra ý tưởng về chuyến đi Tri ân tháng 7 miền Trung trở thành một hoạt động thường niên của chúng tôi - từng nói.

Chuẩn bị cho một hành trình mới, mùa tri ân năm nay, Tiến sĩ Vũ Hoài Nam - tân Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tâm sự: “Cá nhân tôi đã nhiều lần đến với mảnh đất miền Trung - anh dũng, kiên cường, nhưng lần nào cũng vậy, trước, trong và sau mỗi chuyến đi đều là những cảm xúc mong đợi, bâng khuâng và ngập tràn xúc động. Với vinh dự là người đứng đầu đơn vị Báo lớn, có truyền thống 38 năm xây dựng và phát triển, tôi có trách nhiệm cùng với toàn thể viên chức, người lao động của Báo Pháp luật Việt Nam viết tiếp hành trình “vun đắp tâm hồn” ấy, để hành trình đó luôn là truyền thống tốt đẹp ở cả hiện tại và tương lai của Báo Pháp luật Việt Nam. Đây cũng là điều mà tôi luôn tâm niệm và thầm hứa trước chuyến đi lần này”.

Hành trình vào miền Trung, cũng là khoảng thời gian chúng tôi được xếp lại những công việc tất bật thường ngày, để cùng nhau ngắm nhìn những bãi biển chang chang cát trắng, những cánh đồng xanh mơn, những ngọn núi trùng điệp, để tri ân những người đã ngã xuống, để thêm yêu Tổ quốc mình và biết quý giá trị của hòa bình.

Khi những trang báo này đến tay bạn đọc, Báo Pháp luật Việt Nam đã bước vào tuổi mới, chúng tôi lại tiếp tục thực hiện chuyến đi về mảnh đất thiêng liêng. Hành trình năm nay của chúng tôi mang sức sống mới, niềm tin mới. Nhưng chắc chắn, có một điều không thay đổi là tình yêu, là sự biết ơn của chúng tôi đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, sự biết ơn của chúng tôi với mảnh đất mà đồng nghiệp của tôi đã gọi tên “Miền cỏ cháy đã xanh tươi sắc lá”. Cũng có một điều không thay đổi, bởi chuyến đi này sẽ tiếp tục bồi đắp tâm hồn cho chúng tôi bởi những lớp phù sa màu mỡ của lòng biết ơn, của ý thức trách nhiệm, của nhiệt huyết trong tim và trách nhiệm của các nhà báo cách mạng đối với cuộc sống.

Mùa tri ân!

Nắng cháy ran trời miền thương nhớ

Tháng bảy tri ân bước song hành

Thành cổ - Trường Sơn như vẫy gọi

Người cầm ngòi bút thấy rung lòng

***

Trong tiếng chuông cầu hồn liệt sĩ

Hiện lên muôn vẻ dáng tự hào

Trời cao như vẫn còn thương lắm

Cho nắng chiếu vai gió mát đầu.

T.Q.C

Đọc thêm