Về với miền của những khúc tráng ca

(PLO) - Ở dải đất miền Trung ràn rạt gió Lào, chang chang cát trắng, chúng tôi đã cảm nhận được nỗi đau máu thịt khi chứng kiến nấm mồ chung của hàng ngàn liệt sỹ ở Nghĩa Trang Thành cổ Quảng Trị, khi đứng trước bạt ngàn những ngôi mộ trong Nghĩa trang Trường Sơn, hay nghe lời anh hướng dẫn viên tha thiết gọi tên “Cúc ơi!” tại nơi tưởng niệm 10 nữ liệt sỹ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc… Những nỗi đau biến thành khúc tráng ca của đất nước.
Về với miền của những khúc tráng ca
"Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi..."
Khởi hành tại HN khi phố phường vẫn chìm đắm trong sương sớm, chúng tôi đến Quảng Trị khi trời đã xẩm tối. Trăng non cô liêu lặng lẽ ẩn hiện sau bên rừng núi. 
Xe dừng chân bên lề đường, đám trẻ ùa xuống sau một ngày mệt mỏi ngồi trên xe. Chị đồng nghiệp lớn tuổi với giọng dặn theo: Dừng ồn ào đấy nhé, đến đất Quảng Trị rồi, chỗ nào cũng có các anh! 
Lời dặn dò đầy ẩn í khiến lũ trẻ lặng mình. Hoá ra, ở Quảng Trị này, không chỉ “Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ, dưới sông còn đó bạn tôi nằm...”. Không ai nói với ai, cảm xúc nghẹn ngào như dòng điện truyền đi các thành viên trong đoàn. Những tiếng cười nói lắng lại, chỉ còn khe khẽ tiếng thở dài, ẩn chứa sự xót xa. 
Sự xót xa càng như thấm thía vào tâm can khi chúng tôi đến dâng hương trong nghĩa trang Thành cổ. Giọng người hướng dẫn viên tha thiết: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây/… Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/ Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/ Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào.” 
Thành Cổ Quảng Trị nằm bên dòng sông Thạch Hãn, được biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt trong lịch sử dân tộc. Trong 81 ngày đêm đó, hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh khi vẫn còn ở tuổi 18, đôi mươi. Vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát. Đó cũng chính là lý do khiến Nghĩa trang Thành cổ chỉ có thể xây dựng được một ngôi mộ chung để tưởng niệm và tri ân tôn vinh những người đã vĩnh viễn nằm nơi lại đây.  
Quảng Trị mùa Tri ân
Dường như, tháng 7 này, người ta về Quảng Trị nhiều lắm. Quảng Trị không đón khách hành hương để cầu may, ngắm cảnh. Những dòng người về Quảng Trị vào tháng 7 này để tri ân. 
Họ là những người cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, thăm lại các đồng đội đã gửi lại phần xương máu của mình ở vùng đất lửa. Họ còn là những thế hệ được sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, được hưởng nền hoà bình độc lập nhờ sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ.
Quảng Trị mùa tri ân - đêm đêm những ngọn nến hồng lung linh trên hàng chục ngàn ngôi mộ, những dòng hoa đăng lặng lẽ trôi trên sông…
 
Quảng Trị mùa tri ân, nghĩa trang ngào ngạt hương hoa. Những tiếng nói thì thầm, những tiếng khóc nức nở giữa bạt ngàn những ngôi mộ với những nỗi niềm khó gọi tên.
Chúng tôi đã gặp những người ở tuổi ông, tuổi bà trong những bộ quần áo xanh màu lá, má phấn môi hồng. Họ ngồi hát trong nghĩa trang. Những bài hát hào hùng như tiếng đoàn quân trùng trùng điệp điệp đi trong bom đạn… Giữa tiếng hát, là những tiếng nấc nghẹn ngào, những đôi mắt nhạt nhoà lệ. Dường như, họ đang trôi lại trên dòng sông ký ức, của một thời tuổi trẻ, hát cho nhau nghe giữa rừng già trong những khoảng khắc hiếm hoi không có tiếng bom đạn.
Quảng Trị mùa Tri ân, người cựu chiến binh độc hành phủ phục hồi lâu trước tượng đài của nghĩa trang liệt sỹ, trong cái nắng như đổ lửa; người đàn bà khóc ngằn ngặt bên mộ phần liệt sỹ khuyết danh. Bà nói, dưới tầng đất này, là mộ người yêu của bà. Họ chia tay không ngày gặp lại. 40 năm nay, bà vẫn chờ tin người yêu, hàng năm mải miết đi khắp các nghĩa trang Quảng Trị để tìm một chút bóng dáng người xưa. Mùa hè năm nay, bà đến với nghĩa trang đường 9, và bà tin rằng dưới ngôi mộ còn khuyết danh này là xương máu của người yêu bà.
Người cựu binh độc hành phủ phục trước đài tưởng niệm các đồng đội đã khuất
 Người cựu binh độc hành phủ phục trước đài tưởng niệm các đồng đội đã khuất
Câu chuyện về đoạn đường bê tông trên quê hương Đại tướng
Hành trình tri ân vùng đất lửa của chúng tôi còn được nối dài hơn khi mảnh đất Quảng Bình được chọn là nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đã gần 2 năm kể từ khi Đại tướng ra đi, vậy nhưng chưa một ngày nào vãn dòng người đến Vũng chùa – Đảo Yến để viếng mộ vị tướng huyền thoại của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Mộ Đại tướng trong thế đầu tựa vào núi, mặt hướng ra biển, ung dung tự tại giữa cảnh trời mây non nước hữu tình như chốn Bồng lai.
Từ nơi yên nghỉ của Đại tướng, chúngtôi về quê hương Người, với món quà nhỏ của những người làm báo và  của nhà tài trợ - Công ty CP Lochsa Việt Nam dành cho người dân và các em nhỏ ở huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình.  
Trên đường ra quê hương Đại tướng, anh đồng nghiệp người chỉ đoạn đường bê tông trước mặt hỏi “Các bạn biết làm sao mà không đổ đường nhựa?” Rồi anh kể: Đoạn đường này cứ vào mùa lũ là nước dâng ngập hàng mét. Chỉ có đường bê tông, với giằng, với cốt thép bên dưới mới có thể chống lại những cơn lũ thất thường. 
Câu chuyện  đoạn đường bê tông của anh chất chứa nỗi thống khổ của những người dân ở vùng đất giữa một bên là cồn cát trắng trải dài chang chang nắng, một bên là cánh đồng cằn cỗi, nứt nẻ mùa hạn, ngập đầm đìa mùa lũ. 
Những cái tên đã hoá thành những khúc tráng ca
Mùa Tri ân không cũng không chỉ dừng ở Quảng Bình, Quảng Trị, tháng 7 này, cũng như đoàn công tác của chúng tôi, từng đoàn người đang  hướng về ngã 3 Đồng Lộc của Hà Tĩnh. Nơi đây, 10 cô gái thanh niên xung phong đã ngã xuống. Họ mất đi khi tuổi đời còn trẻ đến xót xa. 
Các chị nằm đây bên nhau, 10 ngôi mộ trắng tinh khôi, với những bức di ảnh có đôi mắt như xoáy vào lòng người niềm tiếc thương vô tận. Tượng đài các chị sừng sững giữa đất trời, như sự hy sinh to lớn của những cô gái bé nhỏ giữa ngã ba bom đạn năm nào để giữ cho con đường huyết mạch luôn được thông suốt. 
Dâng vòng hoa lên nghĩa trang tưởng niệm 10 cô gái ngã ba đồng lộc, Bà chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lochsa Việt Nam bưng mặt khóc. Đôi mắt đẹp của người nữ tướng quyết đoán trên thương trường nhoà lệ khi đứng trước di ảnh của 10 nữ liệt sỹ. 
“Tiểu đội đã xếp một hàng ngang. Cúc ơi, em ở đâu không về tập hợp./…Cúc ơi! em ở đâu?/Đất nâu lạnh lắm/ Da em xanh/ Áo em thì mỏng!Cúc ơi! em ở đâu?”, giọng đọc tha thiết của người hướng dẫn viên trong khu tưởng niệm đưa chúng tôi về miền ký ức, tái hiện nỗi xót xa máu thịt: 
Lúc 16h ngày 24/7/1968, tại mảnh đất thiêng liêng - Ngã ba Đồng Lộc - tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu giao thông “hậu phương lớn” với “tiền tuyến lớn” cho Tổ quốc toàn thắng. 
Đoàn công tác dâng hương tưởng niệm 10 nữ liệt sỹ ở Ngã ba Đồng Lộc
 Đoàn công tác dâng hương tưởng niệm 10 nữ liệt sỹ ở Ngã ba Đồng Lộc
Những cô gái bất tử bên dòng sông La đã hóa tạc vào hoa lá, dệt nên màu xanh hòa bình của dân tộc. Tên của các chị đã hóa thành tên chung: 10 Cô gái Ngã Ba Đồng Lộc. Các chị trở thành những liệt nữ bất tử đi vào sử sách,  là những đóa hoa bất tử của mùa xuân đất nước, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Miền Trung năm nào cũng vậy, đã nắng là nắng đến cháy da chạy thịt, đã mưa thì như xối xả tâm can. Những Nghĩa trang Đường 9, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Thành cổ Quảng trị, Ngã 3 Đồng lộc… vẫn trường tồn cùng lịch sử  đầy hào hùng của dân tộc trong đấu tranh, bảo vệ và dựng xây đất nước./.
Gói ghém lại những niềm vui sau lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập báo, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, chúng tôi lên đường về với Quảng Trị thực hiện chuyến đi tri ân như thông lệ hàng năm. Đoàn công tác của Báo PLVN do Tiến sỹ Đào Văn Hội - Tổng Biên tập; ông Đặng Ngọc Luyến - Bí thư Đảng ủy, Phó tổng biên tập thường trực dẫn đầu, cùng đại diện các cán bộ, phóng viên. Đồng hành cùng đoàn công tác của Báo PLVN còn có bà Nguyễn Thị Ngọc - Chủ tịch HĐQT, các cán bộ, nhân viên của Công ty Cổ phần Lochsa Việt Nam

Đọc thêm