Ngay sau khi hoàn tất chuyến bay, bà Mio Yamamuro - Phó Tổng Giám đốc Vanilla Air cho biết, Vanilla Air chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên ở Đông Nam Á vì tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam đang tăng cao. Hơn thế nữa, lượng khách qua lại giữa Việt Nam và Nhật Bản đang tăng nhanh và mong muốn của bà cũng như của Vanilla là được hưởng lợi “miếng bánh” thị phần từ các chặng bay Việt Nam đi Nhật Bản, Đài Loan.
Trước câu hỏi về đối thủ cạnh tranh của Vanilla Air, bà Mio Yamamuro thẳng thắn cho rằng, Vietjet Air chính là đối thủ mà Vanilla Air xác định cạnh tranh thị phần giá rẻ.
Đáp lại tuyên bố của Vanilla Air, Vietjet khẳng định hãng không chủ trương khởi xướng các “cuộc chiến” về giá hay cạnh tranh giành giật thị phần, đích đến của Vietjet là tạo cơ hội để mọi người đều có thể tiếp cận với phương tiện di chuyển hiện đại, khai phá các thị trường mới.
Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành của Vietjet tỏ ý vui mừng về sự tham gia của Vanilla Air vào thị trường hàng không Việt Nam, điều đó cho thấy sức hút và tiềm năng của ngành này tại Việt Nam trong thời gian tới. Ông Khánh đánh giá sự xuất hiện của hãng hàng không giá rẻ của Nhật Bản – Vanilla Air trên một số đường bay đến/đi từ Việt Nam sẽ góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và đối tượng được hưởng lợi lớn nhất chính là hành khách.
So sánh tương quan về chất lượng vận hành, Vietjet đang có độ tin cậy kỹ thuật cất cánh là 99,6% - ngang với con số “chất lượng Nhật Bản” mà Vanilla Air tuyên bố, và là mức cao trên thế giới. Ngoài ra, tỷ lệ đúng giờ của Vietjet đối với các chuyến bay quốc tế đạt 86,2%.
Như vậy, sau 4 năm vận hành tại Việt Nam, tới cuối tháng 6 năm 2016, Vietjet đã khai thác 17 đường bay quốc tế thường xuyên, chưa tính đến các đường bay thuê chuyến và đang có kế hoạch tăng số lượng đường bay quốc tế lên hơn 30 vào cuối năm 2018. Vietjet cũng đã tham gia vào các thỏa thuận kết nối và thông vé với các hãng hàng không khác trên một số tuyến bay./.