TCty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) hôm qua đã chính thức thông báo việc ký hợp đồng với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) về việc tái cấu trúc Cty CP Xi măng Cẩm Phả.
Xi măng Cẩm Phả là “đứa con chung” thứ 2 của Vinaconex và Viettel |
Đây là thông tin được coi là “dễ hiểu”, bởi kể từ khi đi vào hoạt động năm 2008, Vinaconex đã phải trả nợ thay cho Xi măng Cẩm Phả khoảng gần 2.400 tỷ đồng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Vinaconex lâm vào khó khăn tài chính. Trong báo cáo tài chính năm 2012, Vinaconex đã phải ghi nhận một khoản chi phí hơn 1.100 tỷ đồng từ việc thua lỗ của Xi măng Cẩm Phả. Vì thế, kế hoạch bán một phần Xi măng Cẩm Phả đã được Đại hội cổ đông thường niên 2013 của Vinaconex thông qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thương vụ này tốt cho cả hai phía dù cho Viettel phải mua về một công ty đang đánh vật với nợ nần và thua lỗ. Bởi, Bộ Quốc phòng đang có hàng chục tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, và coi như Viettel đã có nguồn cầu rất phong phú có thể “cứu” được nguồn cung từ Xi măng Cẩm Phả - vốn được coi là một thương hiệu xi măng tốt trên thị trường. Còn Vinaconex cũng “nhẹ gánh” hơn trong việc xoay xở lỗ lãi đầu tư vào Xi măng Cẩm Phả.
Năm ngoái, Vinaconex đã phải ghi nhận khoản chi phí hơn 1.100 tỷ đồng từ việc thua lỗ của Xi măng Cẩm Phả, tương đương với hơn một nửa khoản đầu tư vào công ty này (1.990 tỷ đồng). Ngoài ra, tính đến cuối tháng 6/2013, Xi măng Cẩm Phả cũng đang nợ Vinaconex hơn 2.600 tỷ đồng.
Với thương vụ này, quan hệ giữa Vinaconex và Viettel càng có nhiều ràng buộc hơn. Từ năm 2009, Viettel là một trong hai cổ đông chính của Vinaconex, và hiện đang sở hữu 21,3% cổ phần ở đây. Hai doanh nghiệp trên còn có một “đứa con chung” là Công ty Tài chính Vinaconex-Viettel (VVF), trong đó Vinaconex nắm 33%, còn Viettel nắm 32% cổ phần.