SCIC sẽ “rót tiền” vào cảng biển

(PLO) - Một trong những trọng tâm đầu tư trong thời gian tới của Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông, cảng biển, dược phẩm, năng lượng...
Tính đến 30/6/2013, tổng tài sản của SCIC là 69.000 tỉ đồng, tổng nguồn vốn chủ sở hữu là 30.000 tỷ đồng, trong đó tăng từ nguồn lợi nhuận hàng năm hơn 13.000 tỷ đồng, do cấp bổ sung vốn điều lệ, tiếp nhận bàn giao vốn tại các doanh nghiệp, lợi nhuận tích lũy qua đầu tư kinh doanh và thặng dư bán vốn.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
 Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
6 tháng đầu năm 2013, tổng doanh thu SCIC đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 2.215 tỷ đồng, đạt 50% so với kế hoạch và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.959 tỷ đồng, đạt trên 50% so với kế hoạch và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nắm giữ nguồn vốn lớn, trong thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế, SCIC cho biết sẽ tăng cường thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ, tập trung nguồn vốn đầu tư theo hướng dành tối thiểu 70% tổng mức đầu tư theo kế hoạch hàng năm để đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu theo chỉ đạo của Chính phủ, … 
Đặc biệt, “siêu” Tổng Công ty này sẽ quan tâm đến các dự án đầu tư có hiệu quả như cơ sở hạ tầng, giao thông, cảng biển, dược phẩm, năng lượng..., tìm hiểu cơ hội để đầu tư mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Không chỉ bây giờ mới có kế hoạch mà việc triển khai đầu tư vào các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, bất động sản cũng đã được SCIC triển khai từ những năm trước đó. Đặc biệt, năm 2012 hơn 1.000 tỷ đồng đã được SCIC đầu tư thêm vào Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) gây nhiều tranh cãi. 
Trong khi đó, những khoản tiền hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn thu cổ tức, bán vốn của các doanh nghiệp do SCIC giữ quyền đại diện vốn nhà nước lại được doanh nghiệp này gửi ngân hàng cũng đã dấy lên tranh luận về hiệu quả sử dụng nguồn vốn của “siêu” Tổng Công ty nói trên.
Với chiến lược nhắm đến hạ tầng, cảng biển, năng lượng…, thời gian qua, bằng nguồn tiền thu được từ bán vốn và lợi nhuận tích lũy qua các năm, SCIC đã đầu tư vào một số ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế với tổng số tiền đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng. Trong đó có thương vụ hợp tác cùng Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đầu tư các dự án điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Thác Bà, Hải Phòng và Quảng Ninh, hợp tác với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế triển khai các dự án trọng điểm, đầu tư góp vốn thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông và tự động hóa dầu khí... 
Và để siết chặt kỷ cương đối với phần vốn nhà nước do SCIC quản lý, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế hoạt động của người đại diện và lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC. Theo Dự thảo này, người đại diện phần vốn sẽ phải thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của chủ sở hữu phần vốn nhà nước về tình hình doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, không đảm bảo khả năng thanh toán, đầu tư không đúng mục tiêu chiến lược, kế hoạch.

Đọc thêm