Với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long - Cát Bà được khởi xướng vào năm 2014 nhằm xây dựng cơ chế hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương từ đó thúc đẩy hoạt động bảo tồn, bảo vệ môi trường tại Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà.
Năm 2015, Liên minh đã thành lập Ban lãnh đạo với định hướng tăng cường sự tham gia của DN, giải quyết những thách thức về môi trường từ hoạt động của các du thuyền, hỗ trợ kỹ thuật cho UNESCO trong công tác quản lý Vịnh Hạ Long cũng như đề xuất mở rộng Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long bao gồm quần đảo Cát Bà.
Tại cuộc họp, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó Ban thường trực Ban Quản lý Vịnh Hạ Long khẳng định, đến nay Liên minh đã đi được một bước dài trong việc thực hiện mục tiêu đè ra ban đầu, đặc biệt trong công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng tham gia bảo vệ di sản.
Đại diện UBND TP Hải Phòng, ông Nguyễn Anh Tuân, Chánh Văn phòng Ban quản lý di sản Cát Bà cũng khẳng định, triển khai sáng kiến Liên minh Vịnh Hạ Long - Cát Bà, trong đó có nội dung đệ trình UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long - Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới, tuy các hoạt động tập trung chủ yếu ở khu vực Vịnh Hạ Long nhưng đã lan tỏa đến khu vực Cát Bà, ý thức cộng đồng dân cư đã được nâng lên một bước.
Đại diện TP Hải Phòng cũng thông tin, tháng 7/2017, Hải Phòng đã nộp báo cáo tóm tắt về di sản đến Trung tâm Di sản thiên nhiên thế giới và đã được chấp nhận. Từ đó đến nay đã tập trung xây dựng hồ sơ và đến nay Hồ sơ chính đã được hoàn thành, đang lấy ý kiến các sở, ban ngành trước khi chuyển sang Quảng Ninh và trình Ủy ban Di sản quốc gia... Theo lộ trình, đầu tháng 9/2018, sẽ nộp Bộ hồ sơ lên Thường trực Trung tâm Di sản thiên nhiên thế giới và sẽ hoàn thiện lại theo ý kiến tham vấn, tháng 2/2019, sẽ trình bộ hồ sơ chính thức…
“Vịnh Hạ Long đã được UNESCO 2 lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới về mặt thẩm mỹ và địa chất. Lần đề xuất này mở rộng ra quần đảo Cát Bà và thêm 2 tiêu chí đa dạng sinh học loài và hệ sinh thái. Nếu Cát Bà được công nhận thì đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được công nhận đa dạng hệ sinh thái…” - Chánh Văn phòng Ban quản lý di sản Cát Bà chia sẻ.
Theo đại diện IUCN, bà Nguyễn Thị Bích Hiền, để hỗ trợ tái đề cử Di sản Thiên nhiên Thế giới cho Vịnh Hạ Long và mở rộng sang quần đảo Cát Bà và bổ sung tiêu chí về đa dạng loại, IUCN đã giới thiệu 2 chuyên gia quốc tế để hỗ trợ tư vấn về quản lý môi trường cũng như chuẩn bị hồ sơ đề cử di sản…
Theo kế hoạch, trong 6 tháng tới (tháng 4/2018 – 10/2018), IUCN đặt 3 mục tiêu: Xây dựng ý chí chính trị để hành động và duy trì Liên minh thông qua việc gia tăng số lượng thành viên, đặc biệt là các thành viên DN, đa dạng hóa nguồn ngân sách hoạt động và đối thoại chính sách; Nâng cao nhận thức của xã hội về hiện trạng và xu hướng môi trường ở Hạ Long - Cát Bà thông qua nâng cao năng lực cho các DN và các hoạt động truyền thông: Cải thiện hiện trạng bảo tồn, đa dạng sinh hộc ở Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà thông qua việc tái đề cử Di sản Thiên nhiên thế giới cho Hạ Long, mở rộng sang quần đảo Cát Bà và bổ sung tiêu chí về đa dạng loại.