Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm qua, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu hướng tất yếu của thị trường. Để bắt nhịp, từ phương thức sản xuất truyền thống, người dân Vĩnh Phúc đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống...
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN ứng dụng thành công công nghệ tuần hoàn khép kín Aquaponics kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và sản xuất rau thủy canh. Ảnh: Trường Khanh
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN ứng dụng thành công công nghệ tuần hoàn khép kín Aquaponics kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và sản xuất rau thủy canh. Ảnh: Trường Khanh

Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách, triển khai đồng bộ các giải pháp, hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái. Nhờ đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã có nhiều bước tiến quan trọng, đạt hiệu quả kinh tế cao ở hầu hết các lĩnh vực, làm thay đổi tư duy, phương pháp tổ chức sản xuất của người dân.

Mô hình trồng dưa theo công nghệ Israel cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trường Khanh

Mô hình trồng dưa theo công nghệ Israel cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trường Khanh

Đơn cử, mô hình trồng dưa lưới giá thể được áp dụng sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt công nghệ Israel tự động, vừa đảm bảo tiết kiệm nước, vừa cung cấp các dưỡng chất bằng cách hòa tan phân bón vào bể chứa nước rồi vận chuyển tới gốc cây giúp cây đủ dinh dưỡng để phát triển khỏe mạnh.

Trong chăn nuôi, việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) qua đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại với trang thiết bị hiện đại, tự động hóa, khép kín, tuyển chọn con giống chất lượng cao… đã được nhiều hộ chăn nuôi, trang trại, hợp tác xã lựa chọn, mang lại hiệu quả cao.

Chị Bùi Thanh Tâm ở thôn Hương Đà, xã Thiện Kế (Bình Xuyên) triển khai mô hình nuôi gà, vịt thương phẩm trên 12.000m2 đất nông nghiệp đấu thầu của địa phương. Gia đình chị đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi công nghiệp theo hướng khép kín, với hệ thống chuồng sàn, máng ăn uống, quạt gió, phun sương, sưởi ấm tự động…

Chị Tâm cho biết: Việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại tuy thời gian đầu khá tốn kém nhưng mang lại lợi ích lâu dài như giảm sức lao động, tiết kiệm tiền thuê nhân công, môi trường sạch sẽ, phù hợp để đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh.

Cùng với máy móc, thiết bị, trang trại còn lựa chọn con giống đã được nghiên cứu, lai tạo tại các cơ sở, trung tâm cung ứng giống vật nuôi uy tín, được tiêm phòng đầy đủ. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình chú trọng về dinh dưỡng, sử dụng đệm lót sinh học, chế phẩm vi sinh xử lý chất thải giữ môi trường sạch sẽ. Nhờ vậy hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh, đàn vật nuôi khỏe mạnh, có năng suất, chất lượng tốt, đáp ứng tiêu chuẩn ATVSTP nên sản phẩm bán được giá, đầu ra ổn định.

Để giúp người dân tiếp cận các tiến bộ KHCN, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển bền vững. Trong đó, chỉ đạo Sở NN&PTNT nghiên cứu, hướng dẫn các đơn vị chuyên môn làm chủ và chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất; nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước làm thay đổi tư duy, cách làm của nông dân.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 4.800 ha vùng sản xuất rau an toàn ở hơn 70 xã, thị trấn. Giai đoạn 2021 – 2023, tỉnh hỗ trợ 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt, 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo VietGAP.

Nhiều hộ trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng tiến bộ KHKT mang lại hiệu quả cao như: Mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở trang trại của bà Phạm Thị Hảo, thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc); du lịch trải nghiệm nông trại Đào Gia Trang của chị Văn Thị Yến, thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường); chăn nuôi cá nước ngọt ứng dụng hệ thống cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường nước của ông Đàm Văn Sơn, xã Đại Tự (Yên Lạc); ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi bò sữa và chế biến các sản phẩm từ sữa bò của Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh…

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, các mô hình ứng dụng KHCN vào sản xuất là bước tiến quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp từ các mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần tiết kiệm điện, nước, giảm sức lao động, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục khuyến khích các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi phương thức, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, quy hoạch vùng sản xuất theo hướng hiện đại, an toàn, hữu cơ, theo chuỗi giá trị; tiếp tục chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn… góp phần nâng cao giá trị nông sản, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.

Đọc thêm