Vĩnh Phúc hiện có trên 20.000 cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (TTCN) tại khu vực nông thôn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/ người/ tháng.
Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2022, Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc được phê duyệt và triển khai 04 đề án với tổng kinh phí 2.170 tr đồng bao gồm: Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gia công cơ khí” cho đơn vị phối hợp và thụ hưởng là Công ty TNHH MTV xây dựng và thương mại Tân Việt (nay là Công ty TNHH Thương mại và Cơ khí Tân Việt); Đề án “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Hồng - Vĩnh Phúc 2022”; Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất bao bì” cho đơn vị phối hợp và thụ hưởng là Công ty TNHH Bao bì Atlantic; Đề án “Hỗ trợ ứng dụng dây chuyền công nghệ trong sản xuất gia công cơ khí” cho đơn vị phối hợp và thụ hưởng là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Long Thanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn và TTCN trên địa bàn Vĩnh Phúc vẫn còn những khó khăn do số lượng các cơ sở TTCN, các làng nghề còn ít, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Bên cạnh đó, máy móc trang thiết bị phục vụ sản xuất chưa có sự cải tiến phù hợp với năng lực sản xuất. Giữa các cơ sở sản xuất còn thiếu sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, khả năng cạnh tranh của sản phẩm TTCN thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao...
Nhằm tháo gỡ một phần khó khăn, thông qua chương trình khuyến công, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông nghiệp (DN) nông thôn phát triển sản xuất. Trung tâm Phát triển Công Thương Vĩnh Phúc tích cực triển khai hỗ trợ nguồn vốn đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ máy móc phục vụ sản xuất. Cụ thể, Vĩnh Phúc đã phê duyệt kinh phí trên 02 tỷ đồng (đợt 1) năm 2023 để giúp các đơn vị thực hiện phát triển kinh tế.
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách về hoạt động khuyến công, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn thông qua các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về vị trí vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp đi đôi với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thường xuyên nắm bắt thông tin, cập nhật các công nghệ thiết bị mới để tư vấn hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp tại các địa phương, tổ chức khảo sát học tập kinh nghiệm sản xuất để đổi mới ứng dụng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đẩy mạnh công tác quảng bá các sản phẩm công nghiệp tại các đợt hội chợ, triển lãm trong nước và tìm kiếm cơ hội giao thương, mở rộng thị trường ra nước ngoài. Xây dựng chương trình khuyến công cho từng giai đoạn; nâng cao năng lực của Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh đảm bảo về năng lực, cơ sở vật chất…
Bằng sự nỗ lực không ngừng đó, Trung tâm Phát triển Công Thương Vĩnh Phúc thực sự đã trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp địa phương, tạo điều kiện cho các DN đầu tư và hoạt động có hiệu quả, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân địa phương.