Cổng dữ liệu mở tỉnh Vĩnh Phúc được phát triển bởi Sở Thông tin và Truyền thông và Công ty cổ phần Công nghệ thông tin Toàn Cầu Xanh phát triển, bước đầu đi vào hoạt động tại địa chỉ http://opendata.vinhphuc.gov.vn.
Đây là đầu mối duy nhất của tỉnh trên Internet để các cơ quan Nhà nước của tỉnh Vĩnh Phúc công bố, công khai, chia sẻ dữ liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; cung cấp các dịch vụ dữ liệu đến cộng đồng nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ số dựa trên dữ liệu; kết nối liên thông với các hệ thống dùng chung của tỉnh, liên thông với Cổng dữ liệu quốc gia.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn nhấn mạnh, thực hiện chủ trương của Đảng và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Vĩnh Phúc đã khẩn trương triển khai và đạt được một số kết quả bước đầu rất tích cực.
Đến tháng 6/2024, trên Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân của tỉnh đã có trên 1,2 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân, chiếm 96% tổng dân số trên địa bàn tỉnh; 100% cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp hoặc ứng dụng VneID.
Tỷ lệ người nộp thuế khai thuế điện tử đạt xấp xỉ 100% trên tổng số hồ sơ khai thuế đã nộp. Toàn tỉnh hiện có 1.865 dịch vụ công trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đã tích hợp 1.217 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ngoài ra, tỉnh cũng đã triển khai thực hiện thí điểm địa chỉ số tại 2 xã với trên 6.400 địa chỉ số.
Để đưa Vĩnh Phúc vào top 15 cả nước về chuyển đổi số, ông Vũ Việt Văn đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp và người dân cần chia sẻ kinh nghiệm, cách làm sáng tạo và học hỏi lẫn nhau. Từ đó, tạo ra môi trường đổi mới, sáng tạo và thúc đẩy hợp tác giữa các bên, dám làm, dám thử nghiệm và không ngừng cải thiện để hoàn thiện và phát triển.
Cũng tại Hội nghị, ông Hồ Đức Thắng, Quyền Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia đã phát biểu chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới trong triển khai chuyển đổi số tại một số bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó, các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp công nghệ số đã giới thiệu một số giải pháp phục vụ chuyển đổi số như: Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp và ứng dụng số vào ngành Nông nghiệp; ứng dụng công dân số, giải pháp và kinh nghiệm triển khai; thực tế ảo - Mobifone VR360; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; Camera AI phục vụ giám sát an ninh, quản lý, xử lý vi phạm giao thông.