Trước đây, ở các địa phương nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, khi chưa có tổ chức pháp chế chuyên trách, tình trạng nhiều văn bản pháp luật ban hành ra không thực hiện được, chồng chéo, hay gặp phải sự phản đối của dư luận, một nguyên nhân không nhỏ được chỉ ra đó là do trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng trong nghiên cứu, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức “kiêm nhiệm” làm công tác pháp chế của các sở, ban, ngành, đơn vị còn nhiều hạn chế. Vị trí, vai trò của công tác pháp chế chưa được đánh giá đúng và đầy đủ; số lượng, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Nghị định 55 được ban hành đã tạo ra một bước đột phá trong công tác pháp chế; tạo ra hành lang pháp lý cơ bản và tương đối đầy đủ cho việc tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế và nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác pháp chế. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức quán triệt triển khai thực hiện đến các ngành, các cấp trong tỉnh và ban hành Quyết định số 451/QĐ-UBND ngày 20/02/2012 về việc thành lập Phòng Pháp chế tại 17 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh.
Ngoài 14 sở, ban, ngành thành lập Phòng Pháp chế theo quy định, UBND tỉnh thành lập thêm 03 Phòng Pháp chế tại Văn phòng UBND tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Ban Giải phóng mặt bằng và Phát triển quỹ đất của tỉnh. UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị về việc thành lập Phòng Pháp chế tại các sở, ban, ngành, nhờ đó đã tạo được cú hích cho công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng cán bộ làm công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh đã có nhiều bước phát triển quan trọng, không chỉ tăng lên về số lượng, chất lượng của công tác này cũng luôn được đảm bảo. Từ đó đã có những đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của ngành Tư pháp.
Trên cơ sở bám sát Kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã kịp thời hướng dẫn tổ chức pháp chế các sở, ban, ngành triển khai công tác pháp chế năm 2015; thực hiện thẩm định 03 dự thảo quyết định của UBND tỉnh quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở, ban, ngành liên quan đến tổ chức pháp chế. Nhờ tham mưu kịp thời, chủ động và tích cực, các tổ chức pháp chế đã ổn định và tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mình và thực sự là đòn bẩy góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức pháp chế tham mưu giúp HĐND, UBND tỉnh chủ trì soạn thảo 07 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); tự kiểm tra 27 VBQPPL; rà soát 29 VBQPPL; thực hiện được 236 cuộc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho 9.559 đối tượng thuộc ngành quản lý.
Bên cạnh đó, các tổ chức pháp chế đã thực hiện tốt vai trò là đầu mối giúp các sở, ngành trong việc triển khai cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.