Hải Phòng: Thừa Phát Lại khẳng định năng lực tống đạt văn bản

(PLO) - Sau thời gian thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn TP.Hải Phòng, hoạt động này đã đạt được những kết quả tích cực theo đúng định hướng cải cách tư pháp; từng bước xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự. Thừa phát lại đã trở thành một nghề mới giúp người dân có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, thúc đẩy các giao dịch dân sự diễn ra thuận lợi.
Trao đổi nghiệp vụ tại Văn phòng Thừa phát lại Hải Phòng
Trao đổi nghiệp vụ tại Văn phòng Thừa phát lại Hải Phòng
Tống đạt văn bản chiếm tỷ lệ lớn
Do chế định Thừa phát lại (TPL) là một hoạt động mới mẻ với cả người dân và cơ quan nhà nước nên Hải Phòng xác định công tác tuyên truyền giữ vai trò quan trọng. Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 02/01/2014 về việc tổ chức thực hiện “Đề án thực hiện thí điểm chế định TPL tại TP.Hải Phòng” đến từng chi bộ, đảng viên trên địa bàn. 
Đặc biệt, Văn phòng TPL Hải Phòng còn lập website riêng để cập nhật nhanh chóng toàn bộ hoạt động và giúp bà con tìm hiểu dễ dàng về TPL. Tại Hải Phòng, chỉ có 5 TPL được bổ nhiệm, họ đều là cán bộ của Viện kiểm sát, Tòa án (TA), hãng luật có tâm huyết, lòng nhiệt tình, chuyên môn nghiệp vụ tốt. 
Theo thống kê của Sở Tư pháp, đến 5/8/2015, 03 Văn phòng TPL gồm TPL Bạch Đằng, TPL Hải Phòng, TPL An Biên đã lập 134 vi bằng, tống đạt 14.141 văn bản tố tụng của TA, cơ quan THADS; xác minh điều kiện thi hành án (THA) 08 việc, doanh thu đạt hơn 1,5 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động tống đạt văn bản chiếm tỷ lệ lớn. 
Ông Lê Quang Huy, Trưởng Văn phòng TPL Bạch Đằng cho hay: “Việc TPL thực hiện chức năng tống đạt văn bản đã giúp nâng cao vị thế của cán bộ TA vì hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc với đương sự, tạo sự khách quan trong xét xử. Điều này cũng góp phần bảo đảm thủ tục tố tụng trong xét xử, nhất là những trường hợp xét xử vắng mặt. Với cơ quan THADS, việc tống đạt văn bản giúp thi hành hiệu quả bản án”.
Tuy nhiên, hầu hết các TPL tại Hải Phòng đều cho rằng mức phí quy định về tống đạt văn bản còn thấp. Theo địa hạt được phân bổ, Văn phòng TPL Hải Phòng thực hiện ký hợp đồng với 14 đơn vị TA và Chi cục THADS các quận, huyện. “Với mức thu 65.000 đồng cho một văn bản được tống đạt tại quận Hồng Bàng, 130.000 đồng cho một văn bản được tống đạt tại huyện đảo Cát Hải, huyện đảo Bạch Long Vỹ... thì nhiều khi chúng tôi không đủ chi vé tàu xe”, ông Nguyễn An Hòa, Phó Trưởng Văn phòng TPL Hải Phòng thành thật.
Sớm có trang phục riêng cho Thừa phát lại
Trong quá trình hoạt động, các TPL đã từng bị đe dọa, điển hình như khi Văn phòng TPL Hải Phòng lập vi bằng ghi nhận tình trạng doanh nghiệp (tại P.Thượng Lý, Q.Hồng Bàng) nợ một cá nhân khoản tiền lên tới hàng chục tỷ đồng. Lo sợ uy tín, danh dự bị ảnh hưởng, doanh nghiệp đã thuê vài đàn anh, đàn chị “hỏi thăm” các TPL và yêu cầu xóa toàn bộ chứng cứ, hình ảnh của vi bằng. 
“Những lúc như vậy, TPL phải thật sự khéo léo, tỉnh táo để xử lý mọi tình huống với mục đích giữ nguyên vẹn nội dung, hình ảnh của vi bằng. Xuất phát từ thực tiễn trên, chúng tôi cũng mong Bộ Tư pháp sớm quy định về địa vị pháp lý, mô hình tổ chức, hoạt động cũng như cơ chế bảo vệ cho các TPL đầy đủ, rõ ràng. Ngoài ra, những quy định về trang phục riêng, thẻ hành nghề cũng nên sớm triển khai để TPL có được vị thế cao hơn trong hoạt động bổ trợ tư pháp”, đại diện các TPL chia sẻ.
Ông Trần Quang Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cũng kiến nghị, quy định pháp luật về lập vi bằng chưa phân biệt rõ với công chứng, chứng thực; chưa có quy định để giải quyết những vi bằng được TPL lập nhưng không được Sở Tư pháp đăng ký do vi phạm về hình thức, nội dung, có thể làm phát sinh tranh chấp, khiếu nại giữa người yêu cầu lập vi bằng và TPL. 
Trên thực tế, tại Hải Phòng đã phát sinh trường hợp vi bằng không được đăng ký do không đúng về thẩm quyền; tuy nhiên trình tự, thủ tục xử lý trong trường hợp này đối với vi bằng đã lập và đã trao cho đương sự cũng chưa được quy định đầy đủ.
Ghi nhận những đóng góp của TPL, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cũng thẳng thắn cho rằng, mục đích của chế định TPL là từng bước xã hội hóa hoạt động THADS, do đó hoạt động xác minh điều kiện THA và tổ chức THA là trọng tâm của TPL. Tuy nhiên, tại Hải Phòng hoạt động này chưa khởi sắc: mới có 08 việc được xác minh, chưa tổ chức thi hành bản án nào. 
Ngoài điều kiện nhân lực mỏng, địa bàn rộng, ông Bình cắt nghĩa thêm nguyên nhân khiến cho nhiệm vụ trực tiếp THA của TPL tại Hải Phòng chưa rõ nét rằng, các TPL chỉ thi hành bản án, quyết định của TAND nơi đặt trụ sở văn phòng. Như vậy, 12 địa bàn quận, huyện còn lại (trừ Thủy Nguyên, Hồng Bàng, Lê Chân) vẫn còn là “khoảng trống” với hoạt động trực tiếp THA của TPL. 
Tại hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm TPL do Bộ Tư pháp tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Xuân Bình cũng bày tỏ mong muốn sớm có quy định về công tác phối hợp của TA, cơ quan THADS với các TPL để tạo kênh cung cấp thông tin nhanh chóng, thuận lợi, đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép thực hiện chế định TPL chính thức trong cả nước kể từ ngày 01/01/2016. 

Đọc thêm