Vĩnh Phúc: Phát triển kinh tế song hành với an sinh xã hội

(PLO) - Sau 20 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh thuần nông hàng năm phải nhận trợ cấp ngân sách từ T.Ư, Vĩnh Phúc đã vươn lên là một trong số ít địa phương tự cân đối và có đóng góp đang kể cho ngân sách T.Ư.  Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông  Lê Duy Thành, “làm gì thì làm mục tiêu cuối cùng cũng là nâng cao thu nhập và đời sống người dân”…
Vĩnh Phúc là tỉnh đứng thứ hai cả nước về phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”
Vĩnh Phúc là tỉnh đứng thứ hai cả nước về phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”

Điểm sáng  phát triển kinh tế

Tại Hội nghị trực tuyến  về công tác phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức cuối tuần qua, Giám đốc Sở KH&ĐT, ông Đỗ Đình Việt khẳng định: Sau 20 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, thể hiện nổi bật về tốc độ tăng trưởng kinh tế, bình quân giai đoạn 1997-2016 ước đạt 15,37%, đặc biệt có những năm đạt hơn 20%.  

Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng và tăng lên, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2016 đạt 77,2 nghìn tỷ đồng (tăng 40 lần so năm 1997); tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2016 tăng hơn 33 lần so với năm 1997. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh (Khu vực FDI tăng từ 8,5% năm 1997 lên 45% năm 2016),  tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng 43,7%, từ 18,4% lên 61,9% vào năm 2016. Từ một tỉnh phụ thuộc vào trợ cấp của T.Ư, đến năm 2004, Vĩnh Phúc đã tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về T.Ư, năm 2016 đạt hơn 32 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa nhiều năm liền đứng thứ hai ở miền Bắc chỉ sau Hà Nội…

Từ một tỉnh thuần nông, trên địa bàn chỉ có 1 khu công nghiệp (KCN) với quy mô 50ha, đến nay Vĩnh Phúc đã có 19 danh mục KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ưu tiên phát triển với diện tích 5,5 nghìn ha, trong đó có 11 KCN đã thành lập có diện tích 2,3 nghìn ha. 

Những năm gần đây, thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả quan trọng, tỉnh có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư. Đến nay, tỉnh đã thu hút được 884 dự án, gồm 231 dự án FDI với số vốn đăng ký 3,56 tỷ USD, 653 dự án DDI với số vốn đăng ký 56.800 tỷ đồng.

“Với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN. Với cách làm này, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh luôn được các nhà đầu tư đánh giá cao, nhiều năm liền Vĩnh Phúc đứng trong tốp đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. ..” - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay.

Người dân hưởng lợi

Chủ trương thu hút các nhà đầu tư về làm “công dân Vĩnh Phúc” đã góp phần làm tỉnh nghèo này “thay da đổi thịt”.  Nếu như năm 1997, giá trị GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) mới chỉ đạt 2,18 triệu đồng/người (khoảng 180 USD/người) thì đến năm 2007 đã cao hơn mức bình quân của Đồng bằng sông Hồng và mức bình quân cả nước, đến năm 2016, con số này là 72,3 triệu đồng/người/năm (khoảng 3.200 USD)

Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Phúc đã huy động được trên 20 nghìn tỷ cho xây dựng nông thôn mới. Đến nay toàn tỉnh đã có 89/112 xã (đạt 79,5%) hoàn thành xây dựng nông thôn mới; 2 huyện (Yên Lạc và Bình Xuyên) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Vĩnh Phúc trở thành tỉnh thứ hai cả nước về phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ TB&XH Nguyễn Xuân Thều, những năm qua, Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực cho công tác an sinh xã hội, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, xóa đói, giảm nghèo, đào tạo lao động và tạo việc làm mới, đầu tư xây hạ tầng khu vực nông thôn…

Trong đó,  tổng mức chi cho đối tượng chính sách, người có công của tỉnh giai đoạn 1997- 2016 lên tới hơn 550 tỷ đồng và giai đoạn 2016- 2017 gần 120 tỷ đồng; Chính sách giảm nghèo giai đoạn 1997- 2016 lên tới gần 3.800 tỷ đồng và giai đoạn 2016- 2017 là 10,4 tỷ đồng…

Công tác xóa đói, giảm nghèo cũng là một trong những điểm nhấn trong thành tựu bảo đảm an sinh xã hội của Vĩnh Phúc trong thời gian qua. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, đến hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,93% (theo chuẩn giai đoạn 2016- 2020). Đến cuối năm 2011 tỉnh đã cơ bản xóa xong nhà tạm cho hộ nghèo, không có hộ nghèo là gia đình chính sách, người có công.

Theo Phó Chủ tịch Lê Duy Thành, ngoài 2 nhóm đối tượng chính sách (theo quy định chung) và nhóm yếu thế (bà mẹ đơn thân, mồ côi, người tàn tật…) tỉnh đã thực hiện rất tốt thời gian qua, còn nhóm đối tượng người dân không thuộc 2 đối tượng trên nhưng chiếm đến 80- 90% dân số của tỉnh vẫn là nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh.

“20 năm tái lập tỉnh, thu ngân sách tăng 300 lần nhưng cuộc sống của họ vẫn chưa được cải thiện. Họ vẫn sống bằng mảnh vườn, đàn gà đàn lợn, Bệnh viện lớn, đường lộ to họ cũng không dùng vì họ cũng chả đi đâu… Làm sao để họ được hưởng những thành tựu phát triển KT-XH mà tỉnh đạt được 20 năm qua để họ không bị để lại phía sau…” - Phó Chủ tịch Lê Duy Thành trăn trở.

Đọc thêm