Vĩnh Phúc tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trước xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Vĩnh Phúc đã tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và những quyết sách mang tính đột phá để thu hút những nhà đầu tư chiến lược, tạo “làn sóng” đầu tư mới vào địa bàn tỉnh.
Công ty TNHH TKr Manufacturing Việt Nam ( KCN Bá Thiện 2- Bình Xuyên) hiện là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, xe máy. Ảnh: Nguyễn Lượng
Công ty TNHH TKr Manufacturing Việt Nam ( KCN Bá Thiện 2- Bình Xuyên) hiện là đối tác tin cậy của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, xe máy. Ảnh: Nguyễn Lượng

Cuối tháng 6/2023, UBND tỉnh đã tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án Công nghiệp cơ khí Lioho Machine Works Việt Nam tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc. Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 75 triệu USD (tương đương 1.770 tỷ đồng Việt Nam), 100% vốn đầu tư Đài Loan (Trung Quốc). Mục tiêu của dự án là sản xuất phụ tùng ô tô, xe gắn máy với quy mô gần 750.000 sản phẩm/năm. Đây là lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng vẫn đang gặp nhiều khó khăn thì sự góp mặt của Dự án Công nghiệp cơ khí Lioho Machine Works Việt Nam đã đưa tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 lên 435 triệu USD, vượt 8,7% kế hoạch năm. Kết quả này tiếp tục khẳng định môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc là điểm đến an toàn, hấp dẫn và đầy tiềm năng.

Để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành rà soát, tổng hợp và đăng tải danh mục dự án kêu gọi đầu tư trong nhiều lĩnh vực; chủ động lập danh sách các doanh nghiệp (DN), tập đoàn kinh tế lớn trong nước có tiềm lực kinh tế, kinh nghiệm để xúc tiến kêu gọi đầu tư vào tỉnh; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, đặc biệt đối với các DN, tập đoàn kinh tế nước ngoài đã có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh thông qua việc hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho những nhà đầu tư khi mở rộng dự án đầu tư tại tỉnh.

Đối với các DN hoạt động có hiệu quả, đóng góp vào phát triển KT- XH của tỉnh và địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên có những hoạt động biểu dương và vinh danh, nhất là các DN FDI lớn hoạt động hiệu quả và lâu năm như Công ty Honda Việt Nam (Nhật Bản), Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (Nhật Bản), Tập đoàn Prime (Thái Lan).

Chủ động linh hoạt đổi mới, sáng tạo trong hoạt động xúc tiến đầu tư, qua đó, quảng bá hình ảnh, vị thế của tỉnh đối với các nhà đầu tư, đến nay, tỉnh đã tạo lập được quan hệ hợp tác kinh tế với nhiều địa phương của các quốc gia trên thế giới như tỉnh Chungcheongbuk, tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc); tỉnh Saitama, Shizuoka, Tochigi (Nhật Bản), bang Oregon (Hoa Kỳ) hay các tập đoàn kinh tế lớn như Sojitz, Sumitomo, Compal, Deawoo Bus…

Năm 2022, tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và Nhật Bản, ký kết một số dự án đầu tư, biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch.

Đặc biệt, cuối tháng 3 vừa qua, chuyến công tác, xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ của Đoàn công tác tỉnh Vĩnh Phúc do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan làm Trưởng đoàn đã thu hút được DN trong top 500 DN lớn nhất của Hoa Kỳ đầu tư vào tỉnh, góp phần nâng cao năng lực sản xuất của ngành chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh nói chung cũng như tăng cường năng lực của ngành sản xuất, lắp ráp xe máy, ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.

Nhờ chủ động cao trong hoạt động xúc tiến đầu tư và chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ, Vĩnh Phúc đã thu hút được các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược cũng như có sự đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia như Công ty ô tô Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam. Các nhà đầu tư này đã góp phần quan trọng tạo nên bức tranh kinh tế Vĩnh Phúc hiện nay.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã có một số dự án đầu tư lớn hoàn thành, đi vào hoạt động như dự án công nghiệp TYC Việt Nam với tổng vốn đầu tư 5 triệu USD; nhà máy Enplas Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất của Công ty TNHH UniCalsonic Việt Nam với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD…

Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PARINDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Vĩnh Phúc đều trong top 10 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất cả nước. Qua đó tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư đến tìm hiểu và thành công tại tỉnh.

Để tiếp tục thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt "Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030".

Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu thu hút thêm từ 1-5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng đầu tư vào tỉnh; kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, các DN thuộc top 500 DN lớn nhất Việt Nam (VNR500) đầu tư các dự án vào tỉnh trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Giải pháp của tỉnh là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường sự minh bạch và tính ổn định trong chính sách đầu tư; rà soát, bổ sung các chính sách và cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các ngành có tiềm năng và lợi thế của địa phương, tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghệ cao, sản xuất ô, điện tử, công nghiệp phụ trợ.

Bên cạnh các ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai và hạ tầng kỹ thuật, tỉnh sẽ phát triển hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu sinh sống lâu dài của người lao động, chuyên gia; tạo điều kiện phát triển công nghiệp và dịch vụ phụ trợ, khoa học công nghệ và môi trường đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh liên kết giữa hoạt động sản xuất đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài với các DN trong nước, đặc biệt trên địa bàn tỉnh.

Đọc thêm