Vĩnh Phúc: Tiếp nhận nguyên trạng các dự án đầu tư công sau sáp nhập

(PLVN) - UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc bàn giao, tiếp nhận các chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công , sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp.

Tại Công văn số 3510/UBND-KT4 vừa được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành, có hướng dẫn cụ thể về việc bàn giao đầu tư công, khi tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Cụ thể, Theo hướng dẫn của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các cơ quan sẽ thực hiện theo nguyên tắc "tiếp nhận nguyên trạng". Cơ quan nhận bàn giao kế thừa nguyên trạng chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch vốn thuộc phạm vi quản lý tại thời điểm bàn giao từ cơ quan cũ.

Việc bàn giao, tiếp nhận được lập thành biên bản kèm theo đầy đủ danh mục chương trình, nhiệm vụ, dự án, hồ sơ pháp lý, tài chính; xác định rõ tình hình, tổng mức đầu tư, kế hoạch vốn (bao gồm kế hoạch vốn năm 2025 và kế hoạch vốn các năm trước kéo dài sang năm 2025); số vốn giải ngân (bao gồm lũy kế vốn giải ngân từ khởi công, lũy kế vốn thanh toán thuộc kế hoạch vốn năm 2025 và lũy kế vốn thanh toán thuộc kế hoạch vốn các năm trước kéo dài sang năm 2025) đến thời điểm bảo cáo; số vốn còn lại, khối lượng công việc dở dang.

Đối với nguồn vốn ODA, biên bản bàn giao của đại diện UBND cấp tỉnh (đơn vị cũ) và UBND cấp tỉnh (đơn vị mới) cần xác định số dư nợ vay lại đã nhận nợ đến thời điểm bàn giao, số nợ (gốc, lãi, phí) đã trà và nghĩa vụ nợ vay lại còn phải trả của từng khoản vay lại.

Đối với các nhiệm vụ, dự án dở dang khi thực hiện bàn giao phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ có liên quan đề đơn vị tiếp nhận có thể theo dõi, thực hiện quyết toán khi công trình, dự án hoàn thành. Trường hợp bàn giao hợp đồng dở dang thì phải đảm bảo hiệu lực của hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên... để đơn vị nhận bàn giao có đủ căn cứ tiếp tục thực hiện.

Công tác bàn giao và tiếp nhận không được làm ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của các đơn vị bản giao, tiếp nhận. Hạn chế tối đa sự biến động trong công tác quản lý dự án, cần phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng bên đối với nhiệm vụ, dự án được giao quản lý, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng bên trong việc bàn giao, tiếp nhận quản lý nhiệm vụ, dự án, kế hoạch vốn.

Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, UBND cấp tỉnh (đơn vị mới) quy định cụ thể thời điểm bàn giao (là thời điểm khóa số, xác nhận số liệu bàn giao) và thời hạn để hoàn tất thủ tục bàn giao, tiếp nhận tránh kéo dài, gây chậm tiến độ. Việc bàn giao, tiếp nhận đảm bảo hoàn thành trong thời gian tối đa 02 tháng kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định, quyết nghị việc sắp xếp tổ chức bộ máy.

Cơ quan cấp trên chủ đầu tư (đơn vị mới), chủ đầu tư (đơn vị mới), cán bộ tiếp nhận (đơn vị mới), có trách nhiệm chủ động rà soát, tiếp nhận hồ sơ, bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân, quyết toán dự án không bị ngưng trệ, tổ chức quản lý dự án theo quy định của pháp luật kể từ thời điểm nhận bàn giao.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân (đơn vị cũ) vẫn chịu trách nhiệm thực hiện đối với hồ sơ, thủ tục đang dở dang (thẩm định, giải phóng mặt bằng, xác nhận khối lượng hoàn thành...) cho đến khi hoàn tất bàn giao.

UBND cấp tỉnh (đơn vị mới) chỉ đạo rà soát số lượng, chất lượng cán bộ quản lý dự án trong quá trình sáp nhập, bảo đảm đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ, không để gián đoạn công việc.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân (đơn vị cũ) phải phối hợp bàn giao đầy đủ, cán bộ không tự ý chấm dứt hợp đồng hoặc rời vị trí khi chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Đọc thêm