Dự kiến dôi dư hơn 1.600 cán bộ cấp xã tại Vĩnh Phúc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến dôi dư khoảng 1.680 cán bộ cấp xã và 29 trụ sở.

Ngày 7/5, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 5.

Các đại biểu dự Hội nghị.
Các đại biểu dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc đã thông tin về tình hình triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Vĩnh Phúc cùng với Hòa Bình và Phú Thọ đã xây dựng đề án hợp nhất ba tỉnh thành tỉnh Phú Thọ, với trung tâm hành chính đặt tại TP Việt Trì (Phú Thọ).

Đồng thời, tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn còn 36 đơn vị hành chính mới (32 xã, 4 phường), giảm 85 đơn vị cấp xã, tương đương 70,2%.

Công tác lấy ý kiến nhân dân được triển khai sâu rộng bằng hình thức phát phiếu trực tiếp đến từng hộ gia đình. Kết quả cho thấy tỷ lệ cử tri đồng thuận rất cao: 99,49% đối với việc sắp xếp cấp tỉnh, 99,44% với cấp xã.

Việc sắp xếp được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm đủ điều kiện về diện tích và dân số theo quy định, đồng thời gắn với yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa qua đề xuất đổi tên các đơn vị mới.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những khó khăn trong quá trình triển khai như: Thời gian xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã rất ngắn (từ 15/4 đến 30/4). Bên cạnh đó, việc tinh giản cán bộ công chức, viên chức, người lao động dôi dư là rất lớn…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc Trần Tuấn Anh thông tin: Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến dôi dư khoảng 1.680 cán bộ đơn vị hành chính cấp xã, dôi dư 29 trụ sở làm việc.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, theo vị đại diện Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc, về phương án di chuyển, lưu trú của các cán bộ sau khi sáp nhập tỉnh; phương án quản lý trụ sở dôi dư… là một phần nội dung đã được nêu tại Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Vĩnh Phúc gửi Bộ Nội vụ để trình Chính Phủ thông qua.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh việc phối hợp với sở, ngành của tỉnh Phú Thọ và Hòa Bình để xây dựng Đề án thành lập sở, ngành của tỉnh Phú Thọ mới; thực hiện đúng chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp; hoàn thiện phương án bố trí nhân sự, trụ sở làm việc và hệ thống hạ tầng thông tin; đồng thời triển khai phần mềm quản lý văn bản và chữ ký số đến các ĐVHC sau sắp xếp.

Sở Nội vụ Vĩnh Phúc khẳng định, toàn tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo đúng lộ trình, đảm bảo ổn định tình hình, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân sau sắp xếp.

Đọc thêm