Vĩnh Phúc: Tìm giải pháp nâng cao thu nhập và phúc lợi cho người dân

(PLVN) -Là tỉnh được xếp vào nhóm giàu với số thu ngân sách thuộc top đầu, tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Phúc chỉ đứng thứ 24 cả nước. Đây là một nghịch lý, nỗi trăn trở nhiều năm qua của các thế hệ lãnh đạo tỉnh…
Nâng cao thu nhập và phúc lợi cho người dân là nỗi trăn trở nhiều năm  qua của các thế hệ lãnh đạo tình
Nâng cao thu nhập và phúc lợi cho người dân là nỗi trăn trở nhiều năm qua của các thế hệ lãnh đạo tình

Tại Hội thảo "Nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, trong những năm qua, kinh tế Vĩnh Phúc có sự tăng trưởng liên tục, ổn định và bao trùm, đảm bảo cho người dân có điều kiện cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống.

GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 85,62 triệu đồng, đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng Sông Hồng, đứng thứ 8 trong số 63 tỉnh, thành cả nước và cao hơn mức bình quân chung của cả nước. 

Tuy nhiên, thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Phúc năm 2018 chỉ đạt 42,72 triệu đồng. So sánh giữa thu nhập bình quân đầu người với GRDP bình quân đầu người đạt thấp. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người bằng 49,39% so với GRDP bình quân đầu người. 

“Mức độ chênh lệch cho thấy mặc dù kinh tế tăng trưởng cao nhưng người dân chưa được hưởng nhiều từ thành quả phát triển kinh tế. Mặt khác, so sánh với các tỉnh, thành phố công nghiệp phát triển khác trong cả nước, thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Phúc là khá thấp đang bị tụt lại và có khoảng cách ngày càng lớn so với các địa phương phát triển…”- Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu.

Bà Lan cũng chia sẻ, bài toán thu hẹp khoảng cách giữa thu nhập bình quân đầu người và GRDP bình quân đầu người; đồng thời thu hẹp khoảng cách về thu nhập bình quân đầu người so với các địa phương khác đang là thách thức lớn đối với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong thời gian tới. 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành cũng cho rằng, sau 22 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc đã phát huy lợi thế, vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng. 

“Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dù kinh tế tăng trưởng cao nhưng người dân chưa được thụ hưởng nhiều từ thành quả phát triển kinh tế. Do đó, tỉnh Vĩnh Phúc xác định phải tạo ra sự bứt phá về phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân thông qua việc thay đổi căn bản về chính sách điều hành phát triển kinh tế - xã hội…”- Ông Thành khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch Lê Duy Thành, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh phải hướng tới sự ổn định và phát triển xã hội, phát huy được nguồn lực nội tại, khả năng sáng tạo của nhân dân để mang lại hạnh phúc cho nhân dân. 

Vì vậy, việc xây dựng Đề án và Nghị quyết “Nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội tiếp cận việc làm và được thụ hưởng các thành quả phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần; bảo đảm cung cấp phúc lợi và các dịch vụ xã hội, tạo cơ hội học tập, tiếp cận y tế, vui chơi, giải trí cho mọi người dân, thúc đẩy sự phát triển xã hội, gắn kết giữa phát triển kinh tế với thực hiện an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là cần thiết và cấp bách, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay của tỉnh. 

Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao cách đặt vấn đề cũng như mục tiêu, nhiệm vụ và các nhóm giải pháp mà đề án đã đặt ra. Đồng thời, một số ý kiến cho rằng, đề án cần tập trung làm rõ một số vấn đề liên quan đến nguồn nhân lực; tiềm năng thế mạnh của tỉnh; trình độ phát triển công nghiệp của tỉnh; việc thu hút doanh nghiệp trong các ngành kinh tế chủ lực của tỉnh; kết quả công tác lập quy hoạch; triển khai thực hiện quy hoạch… 

Các đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo đề án cần quan tâm tới các giải pháp về giáo dục, đặc biệt là giáo dục trình độ cao; nâng cao chất lượng, hoàn thiện thể chế; phát triển việc làm bền vững cho người lao động; xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp mới, nhất là cách tiếp cận để doanh nghiệp giải phóng khu vực công nghiệp nông thôn, lựa chọn hướng phát triển căn cứ vào xu thế thời đại; bổ sung vai trò của các hội quần chúng vào phần tổ chức thực hiện nhằm phát huy vai trò khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận khi triển khai thực hiện…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế TW Cao Đức Phát nhấn mạnh: Trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn để đạt được những thành tựu to lớn, trở thành một trong những tỉnh tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cũng khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. 

Đi vào phân tích nội dung đề án, Phó Trưởng ban Kinh tế TW Cao Đức Phát cho rằng: Trong phần mục tiêu, cơ quan soạn thảo Đề án cần bổ sung, làm rõ về mặt quan điểm thực hiện, trong đó bên cạnh chủ trương tiếp tục thu hút đầu tư các doanh nghiệp lớn, cần tập trung vào điều chỉnh chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về nhiệm vụ, giải pháp, tỉnh quan tâm, đầu tư mạnh hơn nữa vào phát triển giáo dục, phát huy tiềm năng lợi thế về nguồn nhân lực sẵn có của tỉnh.

Đọc thêm