Vĩnh Phúc: Cần "hài hòa lợi ích" các bên khi thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo

(PLVN) - Ngày 20/12/2019 UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản số 10119 về kết luận việc Công ty cổ phần Nam Tam Đảo thực hiện hạng mục công trình trong phạm vi quy hoạch của Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo (dự án) được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

 

Dự án Du lịch sinh thái Nam Tam Đảo gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.
Dự án Du lịch sinh thái Nam Tam Đảo gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.

Công khai, minh bạch việc thực hiện dự án

Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo thuộc xã Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) do Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo làm chủ đầu tư được Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phê duyệt chủ trương triển khai xây dựng từ năm 2003. Phương án bồi thường giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1615 ngày 25/5/2004; điều chỉnh chỉ giới đất năm 2014 với quy mô khoảng 335 ha.

Trong đó, diện tích mặt hồ Thanh Lanh khoảng 120ha do Công ty TNHH MTV Thủy lợi quản lý, khai thác sử dụng; diện tích bán ngập khoảng 60ha do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo quản lý; diện tích thực hiện dự án của Công ty cổ phần Nam Tam Đảo khoảng 155ha. Tổng số hộ dân có đất đai, tài sản, cây cối bị thu hồi là 140 hộ.

Thực tế đã có 131 hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Các trường hợp chưa nhận bồi thường, hỗ trợ là 9 hộ, với tổng số tiền chưa chi trả gần 500 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, các hộ chưa nhận bồi thường, hỗ trợ cho biết, trước kia phương tiện đo đạc hoàn toàn thủ công, không chính xác nên khi tiến hành bàn giao thực địa đã phát sinh phần chênh lệch diện tích các hộ đang sử dụng. Vì vậy, các hộ này mong muốn được cơ quan liên quan, có thẩm quyền đo lại diện tích đang sử dụng; được thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ trên toàn bộ diện tích đang sử dụng.

Cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc kịp thời vào cuộc tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo.
 Cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc kịp thời vào cuộc tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo.

Từ việc các hộ chưa đồng ý bồi thường, hỗ trợ khiến công tác giải phóng mặt bằng dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, công dân vẫn tiếp tục có đơn thư phản ánh Công ty cổ phần Nam Tam Đảo thực hiện dự án đã đổ đất, san lấp lấn lòng hồ Thanh Lanh không đúng quy định.

Đến nay (20/12/2019 – PV) UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành văn bản số 10119 về kết luận nội dung tố cáo của công dân đối với Công ty cổ phần Nam Tam Đảo đổ đất, san lấp lấn lòng hồ Thanh Lanh. 

Ngoài ra, theo Quyết định số 3198/NĐ-BNN-XDCB ngày 15/8/2000 của Bộ NN&PTNT phê duyệt thiết kế kỹ thuật Hồ chứa nước Thanh Lanh, trong đó cao trình đỉnh tường chắn sóng là +79,1 thì vùng phụ cận của Hồ nước chứa Thanh Lanh được tính từ cốt 79,1 trở xuống lòng hồ và thuộc phạm vi bảo vệ của Hồ chứa nước Thanh Lanh.

Từ sau khi công trình Hồ chứa nước Thanh Lanh được hoàn thành, bàn giao cho Công ty khai thác thủy lợi Tam Đảo - nay là Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tam Đảo quản lý, công trình chưa được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ hồ chứa nước thủy lợi.

Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra tại thực địa dự án, có kết quả xác định Công ty cổ phần Nam Tam Đảo san lấp bên ngoài mốc giới giao đất theo Quyết định số 1519/QĐ-UBND ngày 04/6/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc diện tích là 10,78ha.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 1519/QĐ-UBND ngày 04/6/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc là giao đất giai đoạn 1 của dự án và theo Quyết định số 3950/QĐ-UBND ngày 25/12/2007 của UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu vui chơi du lịch sinh thái Nam Tam Đảo tại xã Trung Mỹ, trong đó vùng đệm ven hồ từ cốt +80 trở xuống đến mặt hồ (khoảng 64,7ha).

Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo được Nhà nước giao để nghiên cứu sử dụng bố trí xây dựng hợp lý các sân tập golf, trồng hoa, cây có bóng mát để phục vụ dân đi dạo, kết hợp bố trí xây dựng một số quầy trưng bầy và bán các sản phẩm lưu niệm, làng nghề truyền thống đảm bảo giữ gìn và khai thác tốt cảnh quan vùng đệm này để tôn cảnh quan chung quanh của mặt hồ.

Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Nam Tam Đảo thực hiện xây dựng hạng mục công trình trong phần diện tích đất của dự án (bao gồm cả phần phụ cận), Nhà nước đã thu hồi và thực hiện đền bù GPMB theo quy định. Việc các hộ dân sử dụng đất (tạo lập tài sản, trồng cây cối, hoa màu trên đất) trong phạm vi công trình (bao gồm cả vùng phụ cận) Hồ chứa nước Thanh Lanh là chưa chấp hành đúng quy định tại Điều 28 Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi năm 2001 - nay là Khoản 10 Điều 8 Luật Thủy lợi năm 2017.

Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo thực hiện các hạng mục công trình trong phần diện tích đất của dự án (bao gồm cả phần phụ cận).
Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo thực hiện các hạng mục công trình trong phần diện tích đất của dự án (bao gồm cả phần phụ cận).

Liên quan đến vùng phụ cận (nhân dân thường gọi là vùng bán ngập, hay vùng đệm) của hồ chứa nước Thanh Lanh, các hộ dân đề nghị Nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ tiền đối với cây cối, hoa màu, tài sản, UBND tỉnh đã giao cơ quan chức năng rà soát, kiểm đếm và đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ tháo dỡ, di chuyển tài sản, vật kiến trúc và công chặt cây, thu dọn hoa màu trên đất ra khỏi vùng phụ cận hồ Thanh Lanh cho 54 trường hợp.

Đối với đề nghị hỗ trợ công cải tạo đất của các hộ, UBND tỉnh đã có văn bản số 3503 ngày 17/5/2019 về việc giải quyết vướng mắc trong việc bồi thường, GPMB dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo đối với điện tích bán ngập (đất lòng hồ ) là không xem xét bồi thường, hỗ trợ công cải tạo đất.

Vì vậy, nội dung công dân tố cáo việc san gạt, đổ đất hiện là vùng phụ cận Hồ chứa nước Thanh Lanh, nằm trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch của dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo được UBND tỉnh phê duyệt.

Hài hòa lợi ích các bên

Đối với nội dung “Tố cáo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo bán 2,6 ha đất lâm nghiệp cho Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo, trong kết luận nêu rõ ông Nguyễn Văn Sơn không phải là Phó giám đốc Công ty cổ phần Nam Tam Đảo.

Vị trí khu đất ông Nguyễn Văn Sơn (vợ là bà Nguyễn Thị Mai) đã là nhà ở thuộc khu đôi “Trung Sô”, thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, đất do UBND xã Trung Mỹ quản lý; không có tài liệu, bằng chứng làm căn cứ xác định ông Nguyễn Văn Sơn “bán 2,6 ha đất lâm nghiệp cho Công ty Cổ phân Nam Tam Đảo” như nội dung công dân tố cáo.

Kết luận 10119 cũng nêu rõ, Công ty cổ phần Nam Tam Đảo trong quá trình thực hiện đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, thủy lợi.

Đối với các hoạt động (xây dựng công trình, hoạt động du lịch, kinh doanh dịch vụ) trong phạm vì bảo vệ đập, hồ chứa nước phải có giấy phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH Một thành viên thủy lợi Tam Đảo để vừa đảm bảo quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo đúng quy định pháp luật về thủy lợi, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình Hồ chứa nước Thanh Lanh.

Được biết, trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng, để tránh thiệt hại cho người dân, Công ty cổ phần Nam Tam Đảo đã hỗ trợ ngoài phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đã được tỉnh duyệt cho tất cả các hộ dân có đất bị thu hồi, đã nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng trong dự án với 3 mức hỗ trợ. Tính đến hết ngày 5/2019, chủ đầu tư đã hỗ trợ cho 130 hộ với số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Hơn lúc nào hết, người dân ở xã Trung mỹ đang rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng khi thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo.

Với việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành kết luận 10119 càng làm rõ, khẳng định việc chấp hành quy định pháp luật của Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo triển khai xây dựng dự án và củng cố, tạo niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền các cấp khi công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo được tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Đọc thêm