Vĩnh Phúc: Trợ giúp pháp lý đồng hành cùng người yếu thế

(PLVN) -Ngày 29/7/1998, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập theo Quyết định số 1926/QĐ-UB ngày 29/7/1998 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Từ đây, chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) được triển khai ngày càng sâu rộng trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cho đông đảo người nghèo, người khuyết tật, các đối tượng chính sách và các đối tượng khác trên địa bàn tỉnh.
Hình ảnh truyền thông tại UBND xã Tiên Lữ, tỉnh Vĩnh Phúc.
Hình ảnh truyền thông tại UBND xã Tiên Lữ, tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều này góp phần đưa chủ trương xoá đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống; giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác giải quyết các vụ việc một cách chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật; góp phần giải toả những vướng mắc pháp luật của nhân dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; góp phần ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Với phương châm hoạt động hướng về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các hoạt động TGPL, đồng thời xác định đối tượng thuộc diện TGPL là nhóm yếu thế trong xã hội, hoạt động TGPL luôn được Sở Tư pháp quan tâm phối hợp với các cấp, các ngành chú trọng đẩy mạnh thực hiện thông qua các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Tất cả yêu cầu TGPL của người dân được đáp ứng kịp thời. Vụ việc tham gia tố tụng có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Việc cử người thực hiện trợ giúp pháp lý được thực hiện nhanh chóng, đúng quy định và đáp ứng yêu cầu TGPL.

Nhiều năm qua, Trung tâm TGPL Sở Tư pháp đã trở thành địa chỉ tin cậy để những đối tượng yếu thế trong xã hội (người nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật…) tìm đến khi có những vấn đề liên quan đến pháp luật, cần được TGPL thông qua các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã tổ chức thụ lý 1.391 vụ việc TGPL.

Trong đó, số vụ việc tham gia tố tụng là 1.028 vụ việc, số vụ việc thực hiện đại diện ngoài tố tụng là: 191 vụ việc, còn lại 499 vụ việc là tư vấn văn bản. Có thể nói, TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng, đặc biệt là tố tụng hình sự và đại diện ngoài tố tụng đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng trong việc giúp cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội có điều kiện tiếp cận và sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí để quyền và lợi ích hợp pháp của mình được bảo vệ khi có xung đột pháp lý hoặc hành vi vi phạm pháp luật.

Công tác tư vấn pháp luật cho người dân được chú trọng và tăng cường. Hình thức tư vấn đa dạng và phong phú, có thể tư vấn bằng văn bản, tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, email… Mỗi năm, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tư vấn trung bình từ 300 đến 400 việc, vụ việc cho các đối tượng yêu cầu tư vấn.

Hoạt động tư vấn pháp luật được đẩy mạnh đã góp phần quan trọng trong việc giải thích pháp luật, giải đáp vướng mắc cho nhân dân, góp phần quan trọng trong việc hòa giải và giải quyết những tranh chấp nhỏ, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài trong nhân dân. Có thể nói, trong những năm qua, hoạt động tư vấn đã trở thành một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong công tác TGPL trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động truyền thông về TGPL đã phát huy được hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật, giúp người dân tiếp cận được với dịch vụ TGPL miễn phí, nắm được các quy định pháp luật để vận dụng, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong 05 năm qua, Trung tâm TGPL nhà nước đã thực hiện hàng trăm cuộc TGPL nhà nước lưu động, truyền thông tại các xã, phường, thị trấn và các thôn, bản trên địa bàn tỉnh với hàng vạn lượt người tham dự. In và phát hành hàng chục nghìn tờ rơi, tờ gấp pháp luật tại các buổi TGPL lưu động, các buổi phối hợp tuyên truyền pháp luật, sinh hoạt chuyên đề pháp luật. Tổ chức lắp đặt hàng trăm Bảng thông tin, Hộp tin TGPL tại các trụ sở UBND cấp xã, các cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, nhà tạm giữ, trụ sở tiếp công dân; phối hợp với các cơ quan, đơn vị truyền thông như Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc… xây dựng nhiều phóng sự, chuyên đề, chuyên mục tuyên truyền về TGPL...

Công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng được đẩy mạnh đã góp phần tăng số lượng, nâng cao chất lượng vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tích cực hơn trong công tác phối hợp để nhận diện người thuộc diện TGPL, giải thích, hướng dẫn thủ tục yêu cầu TGPL cho người bị buộc tội và người tham gia tố tụng khác. Qua hoạt động phối hợp, vị thế, vai trò của người thực hiện TGPL nói chung, Trợ giúp viên pháp lý nói riêng được củng cố và nâng cao. Quyền tranh tụng của Trợ giúp viên pháp lý và quyền bào chữa, bảo vệ của người được TGPL được đảm bảo.

Những kết quả trên đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội trên địa bàn tỉnh, thể hiện mối quan hệ hữu cơ, bình đẳng giữa Nhà nước và công dân; góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xoá đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, đảm bảo công bằng xã hội và bình đẳng trước pháp luật; góp phần nâng cao trình độ dân trí pháp lý và ý thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, từ đó, hình thành thói quen để người dân tự mình biết cách ứng xử phù hợp với các quy định của pháp luật, thực hiện pháp luật và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Để hoạt động TGPL luôn đồng hành và là địa chỉ tin cậy của người yếu thế, trong thời gian tới công tác TGPL trên địa bàn tỉnh cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, phổ biến đầy đủ, sâu sắc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hoạt động TGPL đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò của công tác TGPL trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo công bằng xã hội và bình đẳng trước pháp luật, góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, góp phần ổn định chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Thứ hai, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác TGPL ở địa phương. Đổi mới công tác chỉ đạo theo phương châm hướng công tác TGPL về cơ sở. Tăng cường trách nhiệm, hiệu quả quan hệ phối hợp của các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp trong thực hiện trợ giúp pháp lý để việc phối hợp trong TGPL ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện mục tiêu cải cách pháp luật và cải cách tư pháp, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL làm trung tâm; bảo đảm chất lượng dịch vụ TGPL theo định hướng chung của Nhà nước; huy động các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện TGPL chất lượng và hiệu quả.

Thứ tư, không ngừng củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động Trung tâm TGPL nhà nước và người thực hiện TGPL trên địa bàn tỉnh đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực và bản lĩnh nghề nghiệp để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.

Thứ năm, tập trung đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn về TGPL theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và có chiều sâu, trong đó: Tập trung đẩy mạnh hoạt động tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng trên địa bàn tỉnh, xác định đây là một nhiệm vụ then chốt trong công tác TGPL; nâng cao hiệu quả công tác tư vấn pháp luật cho người dân; đổi mới và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, truyền thông về TGPL; đảm bảo mọi người dân thuộc đối tượng được hưởng dịch vụ TGPL miễn phí đều được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trước pháp luật.

Nguyễn Văn Ngà

Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc

Đọc thêm