VITAS kiến nghị Nhà nước chọn công nghệ, chứ không chọn ngành hàng

(PLVN) - Nhằm tạo cơ hội cho ngành Dệt may bứt phá, Chủ tịch VITAS mạnh dạn kiến nghị Nhà nước nên chọn công nghệ, chứ không chọn ngành hàng và có những giải pháp trong chiến lược truyền thông cho ngành Dệt may năm 2024...
Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: PV)

Ngày 16/12, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023.

Theo báo cáo tại Hội nghị, mặc dù bối cảnh có nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2023 đạt hơn 40,3 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 23,3 tỷ USD; như vậy, Việt Nam xuất siêu hơn 17 tỷ USD. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN…

Trong năm, VITAS chú trọng hoạt động cốt lõi của mình là vận động chính sách nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phản ánh, đề xuất tháo gỡ vướng mắc khó khăn khi dự thảo cũng như khi thực hiện các văn bản pháp luật; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần đưa hàng hóa dệt may vươn xa tại thị trường thế giới; đẩy mạnh thông tin truyền thông để đưa thông tin nhanh chóng, kịp thời tới các doanh nghiệp, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp Việt tới các đối tác và bạn hàng trên thế giới; kết nối, phát triển hội viên, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm của nhau. VITAS cũng tiếp tục đồng hành cùng các tổ chức quốc tế triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo tính minh bạch, xanh hóa trong sản xuất cũng như làm tốt công tác truyền thông, kết nối các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tới cộng đồng quốc tế.

Về mục tiêu năm 2024 của ngành Dệt may, TS Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS cho biết, căn cứ triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cùng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, VITAS đề ra mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023. Định hướng từ nay - 2030, VITAS sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ 2031 - 2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu; xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới…

VITAS kiến nghị Nhà nước triển khai sớm gói 120 ngàn tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho DN để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ, nhất là cho các ngành nghệ khó đào tạo như kỹ sư dệt, nhuộm, thiết kế, cho đổi mới công nghệ, kỹ năng xanh, kỹ năng chuyển đổi số. Đồng thời, đề nghị Nhà nước tiếp tục gia hạn các gói hỗ trợ DN chưa sử dụng hết theo Nghị quyết 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội cho năm 2024 (nghiên cứu chuyển gói hỗ trợ 40 ngàn tỷ đồng cho giảm lãi suất 2% sang hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh để đáp ứng các quy định mới của thị trường)…

Tham luận tại Hội nghị, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế chỉ rõ, ngành Dệt may thời gian tới cần phải giải quyết các vấn đề đang đặt ra như đơn hàng xuất khẩu còn giảm, dù đang bớt đi; chuỗi cung ứng còn rủi ro, chi phí đầu vào còn cao; rủi ro nghĩa vụ trả nợ còn cao, rủi ro lãi suất, tỷ giá giảm; xu hướng chuyển đổi số; xu hướng xanh hóa, kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh hơn.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải. (Ảnh: PV)

Để tìm cơ hội trong thách thức, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, ngành Dệt may Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu xanh, tái chế, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với các sản phẩm mới; đầu tư cải tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện. Cùng với đó, đầu tư công nghệ, kiểm soát nguyên liệu đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất…

Giám đốc điều hành Hiệp hội Lông cừu Australia Adam Dawes khẳng định, ngành Lông cừu Australia đã thực hiện chuỗi cung ứng len tại Việt Nam và cam kết thúc đẩy sự quan tâm của ngành trong việc chuyển hoạt động sơ chế giai đoạn đầu sang Việt Nam (hiện ở Australia có khoảng 100 nhà sơ chế) nhằm giảm thời gian giao hàng và chi phí hậu cần.

Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang. (Ảnh: PV)

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang nhấn mạnh, định hướng phát triển của ngành Dệt may Việt Nam là tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Xa hơn nữa, đến năm 2035, đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may sẽ đến từ xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt. Để thực hiện được quá trình chuyển đổi này, rất cần quyết tâm mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong sản xuất bền vững, xanh hóa và chuyển đổi số...

Ông Vũ Đức Giang đề nghị các doanh nghiệp hội viên tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa thị trường ngoài 104 thị trường xuất khẩu, trong đó quan tâm đến vai trò của các kiều bào ta ở nước ngoài; thúc đẩy đa dạng hóa đối tượng khách hàng, đa dạng hóa mặt hàng. Về phần mình, VITAS sẽ thúc đẩy những giải pháp về xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư…

Ông cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm đưa Quyết định 1643/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày đến 2030, tầm nhìn 2035” đi vào cuộc sống, quy hoạch các khu công nghiệp đầu tư dự án dệt - nhuộm; nên chọn công nghệ, chứ không chọn ngành hàng, để dệt may - da giày không rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan; có những giải pháp trong chiến lược truyền thông cho ngành Dệt may năm 2024…

Đọc thêm