Trở thành nhà cung cấp dịch vụ số số 1 Việt Nam
Tái cơ cấu 4 năm về trước đã mang lại cho VNPT những kết quả tăng trưởng ấn tượng với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 4 năm liên tiếp trên 20% và giờ đây, Tập đoàn này tiếp tục đề ra những bước đi chiến lược để trở thành nhà cung cấp dịch vụ số số 1 Việt Nam và trung tâm số của khu vực trong một vài năm tới.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, VNPT sẽ thực hiện cơ cấu lại mảng CNTT, hình thành một đơn vị về CNTT mạnh trực thuộc Tập đoàn. Các đơn vị có vốn góp của VNPT cũng sẽ được sắp xếp lại để hình thành các trụ cột về sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, sẽ cổ phần hóa VNPT vào cuối năm 2019 như một bước đi chiến lược để VNPT chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang dịch vụ nội dung số và CNTT.
Trong buổi trả lời báo chí cuối tuần vừa rồi, ông Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng giám đốc VNPT - cũng cho biết, mục tiêu chính được VNPT đặt ra là trở thành nhà cung cấp dịch vụ nội dung số đứng số 1 tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành trung tâm dịch vụ số (Hub) của khu vực vào năm 2030.
Theo ông Liêm, để đạt được mục tiêu đó, Tập đoàn phải đảm bảo tăng trưởng doanh thu hàng năm từ 8-12%. Tập đoàn sẽ tập trung phát triển các dịch vụ số, dịch vụ CNTT. “Theo như các nhà khai thác trên thế giới nhìn nhận, đánh giá, các dịch vụ viễn thông truyền thống trong những năm tới dự kiến có tốc độ tăng trưởng không cao. Vì vậy để đạt được mức độ phát triển như kỳ vọng thì VNPT sẽ phải đi một hướng đi mới” – ông Liêm cho biết – “Hiện nay rất nhiều nhà khai thác trên thế giới cũng đã bắt đầu chuyển mình để đưa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thành một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông số. Vì vậy, mục tiêu của VNPT là trở thành nhà cung cấp dịch vụ số số 1 tại Việt Nam và một hub (trung tâm) dịch vụ số của khu vực. Để đạt được mục tiêu này, dịch vụ số phải chiếm từ 25% cho đến hơn 30% tổng cơ cấu doanh thu của Tập đoàn”.
Phải có cơ chế đặc thù cho việc mua bán và sáp nhập
Ông Huỳnh Quang Liêm còn cho biết, VNPT sẽ tiến hành cơ cấu lại một loạt đơn vị để tránh chuyện chồng chéo trong chuỗi giá trị cung cấp cho khách hàng. Trong năm 2018, có hai kịch bản cho tăng trưởng được VNPT đề ra, phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng của mảng dịch vụ số. Đó là nếu dịch vụ số tăng trưởng 41% và chiếm 23% tổng doanh thu, mức tăng trưởng của Tập đoàn đạt 8,3%. Còn ở kịch bản thứ hai, VNPT sẽ tăng trưởng 12,3% khi mảng dịch vụ số chiếm 33% tổng doanh thu.
“Rõ ràng, mục tiêu này không hề đơn giản trong giai đoạn từ 7 năm tới 10 năm tới nếu như chỉ phát triển bình thường, mà phải có cơ chế đặc thù cho việc mua bán và sáp nhập”, ông Liêm khẳng định. Những doanh nghiệp nào đang làm tốt, những doanh nghiệp nào đang có sản phẩm tốt phù hợp với Việt Nam và vươn ra thế giới được thì Tập đoàn sẽ mua bán sáp nhập những công ty đấy để tạo ra được những thế mạnh cho VNPT.
Ông Huỳnh Quang Liêm cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao như vậy và trở thành trung tâm dịch vụ số của khu vực thì VNPT cần cơ chế cởi mở và đặc thù. Ví dụ VNPT phải có cơ chế đặc thù cho việc mua bán sáp nhập các công ty con khác để tăng cường sức mạnh cho VNPT. Tuy nhiên, với cơ chế mua bán sáp nhập hiện nay VNPT muốn qua phần thủ tục sẽ mất từ 2 - 3 năm. Vì thế, VNPT sẽ tiến hành các hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa.
VNPT cũng sẽ thành lập VNPT Global sau khi cổ phần hóa và công ty này sẽ chịu trách nhiệm luôn việc mua bán sáp nhập các doanh nghiệp ở cả nước ngoài.
Cuối năm nay, xác định xong giá trị doanh nghiệp
Theo lộ trình, đến cuối năm 2018, VNPT xác định giá trị doanh nghiệp và đến cuối năm 2019 VNPT sẽ tiến hành IPO (niêm yết cổ phiếu ra thị trường lần đầu). VNPT dự kiến bán 35% cổ phần và Nhà nước giữ lại 65% cổ phần. Như vậy, VNPT vẫn là doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần khống chế. Song những đối tác chiến lược có kinh nghiệm tốt sẽ giúp VNPT sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển của mình.