Đây là vụ án đã kéo dài hơn 6 năm, gây chấn động dư luận. Gia đình nạn nhân đã viết nhiều đơn kêu oan cho bị cáo. Đã qua 3 phiên sơ thẩm, 2 phiên phúc thẩm, nhưng vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.
Như Báo PLVN đã đưa tin, theo hồ sơ, khoảng 6h ngày 5/2/2012,Hoàng Thị Vấn (ở tại phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng) thức giấc, chồng con vẫn ngủ trên giường. Vấn xuống cầu thang, gặp mẹ chồng là bà Triệu Thị Tiền, hai người cùng ra vườn đứng nói chuyện với nhau. Khi câu chuyện đề cập đến vấn đề con cái, mẹ chồng khuyên con dâu nên đẻ thêm. Vấn không bằng lòng, nói: “Bà giỏi thì đẻ đi”. Bị cãi láo, mẹ chồng tức giận cho con dâu một cái tát. Ấm ức, Vấn đi tìm được chiếc búa đinh, quay lại vung nhiều nhát hạ sát mẹ chồng.
Anh Chiến cũng bị bắt vì cáo buộc không tố giác tội phạm, nhưng sau đó được trả tự do vì không đủ chứng cứ.
Tại ba phiên sơ thẩm do TAND tỉnh Cao Bằng xét xử, Vấn đề bị tuyên án chung thân về tội Giết người, theo điều 93 Bộ luật hình sự 1999.
Hai lần phúc thẩm vào các năm 2013 và 2016, TAND cấp cao tại Hà Nội đều tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho VKS yêu cầu điều tra lại.
Ngày mai 15/8, phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo kêu oan của Hoàng Thị Vấn sẽ được mở tại TAND cấp cao tại Hà Nội.
Theo đơn kêu oan của chồng, con trai nạn nhân, cũng là bố chồng và chồng của bị cáo: Việc kết tội Vấn là “thiếu căn cứ, không thuyết phục, gây oan sai”. Chồng nạn nhân khẳng định, lúc mẹ bị giết, Vấn đang nằm trên phòng cùng anh và con gái.
Hồ sơ vụ án cũng cho thấy có nhiều uẩn khúc: các mẫu máu thu giữ tại hiện trường cho thấy cơ quan điều tra bỏ qua nhiều dấu vết quan trọng có thể thay đổi bản chất vụ án. Vụ án này bị cáo là nữ, bị hại cũng là nữ. Khi giám định chiếc áo ba lỗ có dính máu người, lại là mẫu máu nam giới, đồng thời vết máu trên tường đã thu giữ và khi giám định cũng kết luận là máu của nam giới.
Ngoài ra, bản ảnh tử thi cho thấy có dây điện quấn cổ, nhưng cảnh sát chưa làm rõ có vết hằn trên cổ nạn nhân không, cũng không xác định được dây điện này buộc trước hay sau khi nạn nhân chết?
Đây là một vụ án cực kỳ nghiêm trọng, tuy nhiên không bắt được quả tang, không có nhân chứng trực tiếp. Việc truy tố và xét xử, cơ quan tố tụng chủ yếu dựa vào khai nhận của bị cáo tại cơ quan điều tra. Vì vậy, những tình tiết bị bỏ lọt như trên khiến quá trình điều tra mập mờ, đầy mâu thuẫn.