Vợ có lỗi khi sinh con gái?

(PLO) - Cuối tuần qua, một đoạn clip gây xôn xao cộng đồng mạng khi nhân vật chính trong clip ấy là một nam tài xế xe taxi chia sẻ mình không bao giờ thích và bế con gái. Anh tài xế này cho biết, khi vợ có bầu ba tháng, nếu là con gái sẽ không cho siêu âm, khám thai gì nữa và ngày vợ đẻ sẽ bỏ đi chơi không về cho mẹ con nó tự trông nhau. May mà vợ đẻ con trai, chứ nếu là con gái thì trả ngay về cho ngoại nuôi...
Phân biệt con trai con gái và thái độ của người chồng đối xử với vợ phụ thuộc vào giới tính của con chính là hành vi bạo lực gia đình (Ảnh minh họa).
Phân biệt con trai con gái và thái độ của người chồng đối xử với vợ phụ thuộc vào giới tính của con chính là hành vi bạo lực gia đình (Ảnh minh họa).

2 lần vợ sinh con gái 2 lần chồng bỏ đi khỏi nhà

Câu chuyện của người tài xế taxi nói trên không phải trường hợp cá biệt, nếu không muốn nói là tương đối phổ biến ở nhiều gia đình hiện nay.

Một khu chung cư nọ rất đông những gia đình trẻ, trí thức. Thông minh, thành đạt, cấp tiến – là mẫu số chung của họ. Có vẻ như ở đây những định kiến xưa cũ của xã hội từng là bóng ma ám ảnh tổ ấm gia đình bao đời nay như: gia trưởng, trọng nam khinh nữ… sẽ không còn đất sống. Trong số cư dân đó có một gia đình cả hai vợ chồng đều học hành, công ăn việc làm đàng hoàng.

Hai đứa con gái xinh xắn, giỏi giang năm nào cũng được thay mặt lớp lên nhận giấy khen trước toàn trường. Nhưng tiếc thay chúng cũng là nguồn cơn của nỗi đau tinh thần lớn nhất mà người mẹ tội nghiệp của chúng phải chịu đựng.

Ngày người vợ mang thai đứa đầu, dù biết rằng con mình là gái, nhưng anh chồng vẫn níu kéo vào niềm hy vọng rằng bác sĩ nhìn nhầm. Đưa vợ đi sinh, bế đứa con gái trên tay, anh ta đứng sững. Từ bệnh viện sản, anh chồng đi về nhà, nhưng không phải là tiếp tế đồ cho vợ, mà thu dọn quần áo, bỏ nhà đi biệt tích một tháng liền, mặc người vợ và đứa con mới sinh loay hoay xoay xở. Thi thoảng anh ta gọi điện về, thản nhiên tuyên bố: “Vì vợ đẻ con gái nên chán, không muốn ở nhà. Bao giờ hết chán sẽ về!”. 

Người vợ mang bầu tiếp đứa con thứ hai. Lần này, thấy vợ có nhiều biểu hiện ốm nghén khác lần trước, người chồng hy vọng lắm, mua về nhiều thuốc uống cho vợ tẩm bổ để con trai khỏe mạnh. Hai vợ chồng đưa nhau đi khám thai trong niềm hy vọng vô bờ bến. Rồi, người chồng lại một lần nữa chết sững khi biết con mình là gái. Suốt chặng đường về, hai vợ chồng không nói với nhau câu nào.

Bước vào nhà, việc làm đầu tiên của anh ta là lôi hết thuốc tẩm bổ bà bầu đã mua cho vợ mang ra cống đổ đi. “Chửa con gái thì không cần uống!”. Anh ta chỉ nói ngắn gọn thế, mặc cho nước mắt của vợ tuôn rơi. “Lịch sử” lặp lại với 3 tháng bỏ đi khỏi nhà và liên tục gọi điện về đòi ly hôn của người chồng khi vợ vào viện sinh đứa thứ hai. 

Trong lần sinh thứ ba, một đứa con gái nữa lại chào đời. Và lần này, Tổ trưởng dân phố, đại diện hội chữ thập đỏ, hội phụ nữ trong khu chung cư phải đến tận nhà hai vợ chồng để nói chuyện vì người chồng đòi đuổi vợ ra khỏi nhà do không biết để, để đón vợ khác về biết đẻ con trai...

Ai quyết định giới tính của con?

Bố hay mẹ, ai quyết định giới tính của con? Câu hỏi này đã được đặt ra không chỉ một lần trong trong đời sống xã hội, trong các gia đình.

Để trả lời câu hỏi này các nhà khoa học đã nghiên cứu và có câu trả lời rằng, cho dù nhiều cặp vợ chồng đã, đang và sẽ tìm nhiều cách tác động đến giới tính của em bé khi thụ thai, tuy nhiên, khoa học chứng minh rằng giới tính của bé do chính người cha quyết định.

Cụ thể, theo các phân tích khoa học, phụ nữ chỉ sản xuất một loại trứng (nhiễm sắc thể X), trong khi những người đàn ông sản xuất hai loại tinh trùng (nhiễm sắc thể X hoặc Y). Vì vậy sinh con trai hay con gái phụ thuộc vào việc trứng gặp nhiễm sắc thể giới tính Y hay X trong tinh trùng từ người cha. Thế nên, người cha mới chính là người quyết định giới tính của con mình.

Ở góc độ dân số, cách ứng xử của những ông chồng nói trên chứng tỏ tình trạng trọng nam khinh nữ ở Việt Nam chưa có nhiều tiến triển tích cực. Minh chứng qua những con số mới nhất: sau 1 năm thực hiện đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2020”, vào năm 2017 tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam chỉ thay đổi không đáng kể: từ 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2015) còn 112,2/100 (theo điều tra biến động dân số 2016).

Các chuyên gia dân số ước tính, nếu không can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh, đến 2050 Việt Nam sẽ dư 2,3 - 4 triệu nam giới. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng “thừa nam, thiếu nữ”, làm thay đổi cấu trúc dân số; tan vỡ cấu trúc gia đình cũng như nhiều hệ lụy khác: phụ nữ kết hôn sớm; tỷ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao; tăng bất bình đẳng giới; nguy cơ gia tăng tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Đáng lo ngại là việc lựa chọn giới tính (thích trẻ nam) thường thấy nhiều hơn ở các hộ gia đình có học vấn, kinh tế khá giả so với các hộ nghèo.

Còn ở góc độ xã hội có thể nói, việc phân biệt con trai con gái và thái độ của người chồng đối xử với vợ phụ thuộc vào giới tính của con chính là hành vi bạo lực gia đình. Tuy không nắm đấm nhưng đã gọi là bạo lực thì chẳng thể nói kiểu nào nguy hại hơn kiểu nào cả.

Chính vì thế nên Luật Phòng chống bạo lực gia đình mới liệt kê các dạng bạo lực trong gia đình trong đó có bạo lực về tinh thần. Đáng buồn là bạo lực tinh thần thường diễn ra ở các gia đình có địa vị, có kinh tế; có học thức ở các vùng đô thị và rất khó phát hiện, nên cũng rất khó để xử lý triệt để. Đó thực sự là một cơn sóng ngầm phá tan gia đình.