Võ cổ truyền Việt vào điện ảnh: Khơi lại niềm tự hào và quyết tâm gìn giữ

(PLVN) - Phim điện ảnh ra rạp dịp đầu năm có hai bộ phim về võ cổ truyền, hứa hẹn mang đến những màn võ thuật mãn nhãn và khơi dậy niềm tự hào về tinh hoa võ thuật Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị võ học cổ truyền bao lâu nay. 
Một cảnh trong phim “Võ sinh đại chiến”.
Một cảnh trong phim “Võ sinh đại chiến”.

Sức hút của võ thuật

Mới đây, bộ phim chiếu rạp “Võ sinh đại chiến” dù bị nhiều nhà phê bình nhận xét “không xuất sắc về nghệ thuật”, “kịch bản đơn giản và dễ đoán”, nhưng lại ghi điểm với đông đảo khán giả nhờ những màn võ thuật chỉn chu. 

Trên các diễn đàn, hội nhóm đánh giá và bình luận phim, nhiều bạn trẻ đã không tiếc lời khen ngợi việc bộ phim đã tái hiện tốt những tinh hoa của bộ môn võ cổ truyền dân tộc, lồng ghép vào trong bối cảnh học đường hiện đại khiến người xem cảm thấy gần gũi nhưng mới lạ. 

Bộ môn võ cổ truyền Bình Định được thể hiện qua các phân cảnh về Hùng Kê Quyền, Lão Mai Quyền hay Độc Lư Thương. Sau khi xem xong phim, nhiều khán giả bày tỏ sự hào hứng trước những câu chuyện riêng đằng sau các bộ môn võ thuật, các thế võ cùng những câu khẩu quyết độc đáo. 

Cũng cùng thể loại này, sắp tới, bộ phim “Sám hối” dự kiến sẽ ra mắt vào khoảng giữa tháng 1/2021. Đây cũng là phim hành động võ thuật kể về câu chuyện cuộc đời thăng trầm của võ sĩ quyền anh Minh Long (do diễn viên Bình Minh thủ vai).

Từng chạm đến đỉnh cao vinh quang sự nghiệp, từng là nhà vô địch sở hữu chuỗi chiến thắng bất bại, vị võ sĩ sau đó đã phải đối mặt với nhiều biến cố cùng mất mát. Được biết, với kinh phí đầu tư lên tới con số 50 tỷ đồng, bộ phim “Sám hối” đang được đông đảo khán giả chờ mong, trong đó họ mong chờ nhất là những phân cảnh võ thuật mãn nhãn người xem. 

Rất lâu rồi mới có thể thấy rạp phim Việt cùng ra mắt một lúc hai bộ phim cùng khai thác đề tài khó nhằn về võ thuật cổ truyền Việt Nam. Sự đón nhận và chờ mong của khán giả cho thấy công tác bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam đang có chiều hướng phát triển tích cực. 

Từ bao lâu nay, bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam luôn được coi là lĩnh vực rộng, có tính xã hội cao, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc và góp phần phát triển nền thể dục thể thao nước nhà. Đáng nói, võ cổ truyền Việt Nam không chỉ đơn thuần là những bài tập nhằm rèn luyện kỹ năng, thể chất, nâng cao khả năng tự vệ của con người mà còn khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần thượng võ và tính nhân văn của người tập võ.

Khát vọng “hồi sinh” võ Việt

Trong dòng chảy hội nhập quốc tế, có thể thấy những phim ảnh võ thuật Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước phương Tây đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam bao lâu nay, cùng với đó là sự du nhập của các bộ môn võ thuật nước ngoài, khiến võ truyền thống của người Việt bị lu mờ, mai một. 

Chính những thời điểm như vậy, khát vọng gìn giữ tinh hoa võ học dân tộc càng cháy bỏng hơn bao giờ hết với nhiều con người Việt Nam. Có thể kể tới võ sư Phạm Đình Phong đã miệt mài nghiên cứu, sưu tầm, truyền bá võ cổ truyền từ khoảng đầu những năm 2000.

Ngoài ra, còn có những võ sư khác như Trần Mạnh Hà đã có hơn 20 năm đóng góp công sức xây dựng các câu lạc bộ võ cổ truyền Nhất Nam tại các tỉnh Lai Châu, Lạng Sơn, Hưng Yên; Nguyễn Khắc Phấn là trưởng môn pháp Thiên Môn Đạo luôn tích cực mở rộng quy mô, chiêu mộ học viên, truyền bá những điều tốt đẹp của võ thuật Việt. 

Để các bộ môn võ cổ truyền Việt Nam tiếp cận được đông đảo khán giả như hiện nay chính là thành quả của bao nhiêu tâm huyết, trí tuệ, công sức và thời gian của rất nhiều nhà nghiên cứu, học giả, võ sư, người am hiểu võ học dân tộc. Họ cùng nhau nghiên cứu, sưu tầm, đúc kết, phục dựng các bài võ của tổ tiên, dựng phim, biên soạn sử liệu, sách để góp phần phục hưng, truyền dạy, quảng bá, phát triển và khẳng định giá trị võ học dân tộc… 

Đưa võ cổ truyền vào phim điện ảnh có lợi thế tiếp cận được khán giả đại chúng một cách dễ dàng, trực tiếp. Mặc dù không thể nói lên hết toàn bộ khó khăn của giới võ học Việt Nam đã bảo tồn giá trị của võ cổ truyền như thế nào nhưng có thể gói ghém những tinh hoa, đặc trưng của các bộ môn này để khán giả hiểu biết thêm, từ đó thêm yêu quý, tự hào về nét văn hoá đặc trưng của người Việt.