Vỡ đập thủy điện ở Gia Lai không do tích nước quá thiết kế?

“Vỡ đập do sự cố chứ không phải do chất lượng công trình không đảm bảo. Có thể do quá trình thi công đập có nhiều xe công trình có trọng tải lớn di chuyển trên thân đập làm rạn nứt phần trần cống dẫn đến sụt lún và xảy ra sự cố”, Ông Bách Đức Quang - Giám đốc Cty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai (chủ đầu tư công trình thủy điện Ia Krel 2) cho biết.

 

Khoảng 3h30 ngày 12/6, đập tràn thủy điện Ia Krel 2 (nằm trên địa bàn làng Bi, xã Ia Dom, huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) do Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long - Gia Lai đầu tư xây dựng  bị vỡ khiến nhiều người hoảng sợ, hàng trăm ha hoa màu bị nhấn chìm trong nước.

Hiện trường vụ vỡ đập ở Gia Lai
Hiện trường vụ vỡ đập ở Gia Lai

“Vỡ đập không phải do chất lượng công trình”?

Thủy điện Ia Krel 2 có 2 tổ máy, công suất 5,5 MW, tổng vốn đầu tư công trình là 120 tỷ đồng; được xây dựng từ cuối năm 2009, nằm trên suối Đôi, đang trong quá trình tích nước, chờ chạy thử  máy. Thời điểm vỡ đập, nhiều người dân đang làm rẫy quanh suối bất ngờ bị nước từ đập thủy điện Ia Krel  tràn xuống, cuốn trôi rất xa.

Xa hơn, một diện tích lớn cao su của hai đội sản xuất 20, 21 (Cty Cao su 72 thuộc Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng) cũng bị nước bao vây. Rất may, do nước về vào buổi sáng nên nhiều người dân đã kịp chạy lên đường lớn, nhiều người khác phải leo lên cây chờ lực lượng chức năng đến cứu hộ.

Theo thống kê ban đầu của UBND tỉnh Gia Lai, tính đến thời điểm này chưa phát hiện có thiệt hại về người nhưng có 69 ngôi nhà bị ngập một cây cầu đang thi công bị trôi và hàng chục hécta hoa màu bị ngập. Trong báo cáo nhanh ngày 13/6, ông Lê Vinh - Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai – cho biết: Đập thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ một đoạn thân đập khoảng 40m, bề mặt đập xuất hiện 3 vết nứt ngang, một số điểm sụt lún bề mặt đập. Vào thời điểm xảy ra sự cố mực nước ở hồ thấp hơn mực nước chết. Do đó, nguyên nhân dung tích nước vượt quá thiết kế được loại trừ.

Ông Bách Đức Quang - Giám đốc Cty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai (chủ đầu tư công trình thủy điện Ia Krel 2) cho biết: “Vỡ đập do sự cố chứ không phải do chất lượng công trình không đảm bảo. Có thể do quá trình thi công đập có nhiều xe công trình có trọng tải lớn di chuyển trên thân đập làm rạn nứt phần trần cống dẫn đến sụt lún và xảy ra sự cố”.

Nguyên nhân chính xác gây vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 tiếp tục được Bộ Công Thương xác định, điều tra, làm rõ.

Sống trong sợ hãi

Một ngày sau khi thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ, nét sợ hãi vẫn còn nguyên trên khuôn mặt của những người dân nơi đây. Bên cạnh đó, nhiều người ngao ngán nhìn đống đổ nát và những ruộng hoa màu của mình bị nước cuốn trôi chỉ trong vài giờ.

Ông Siu Deo - người chứng kiến những dòng nước ào ào đổ xuống kể: “Mình đang ngủ thì thấy nước đổ xuống, sống hơn 50 năm chưa bao giờ mình thấy nước nhiều như vậy”. Chưa kịp vui thoát khỏi “tử thần” thì hàng trăm người dân lại đang sống trong nỗi lo sợ thiếu lương thực. Ông Siu Deo nói: “Khi đứng trên đỉnh đồi, nhìn những ngôi nhà của mình, những bao lúa, mì bị nước cuốn trôi mà mặt ai cũng sắt lại. Đối với người nông dân thì lúa, mì như máu thịt của chúng tôi vậy”.

Ngay sau khi sự cố vỡ đập xảy ra, lực lượng cứu hộ cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã giải cứu được 8 người đang tránh nước ở trên cây, đưa 30 người khác về nơi trú ẩn an toàn.

Uyên Thu

Đọc thêm