Vở diễn và tiểu thuyết “Nợ nước non”: “Sống cùng” Bác Hồ thời thơ ấu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thực hiện vở diễn và tiểu thuyết “Nợ nước non” phần 1 cũng như bộ sử thi nghệ thuật “Nước non vạn dặm” về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là thách thức lớn với nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ, bởi đã có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đồ sộ về Người.  Song, ông vẫn dành tâm huyết thực hiện công trình để thể hiện tình cảm kính yêu Bác sâu sắc và đóng góp thêm những tác phẩm văn học, nghệ thuật về Người.
Bác Hồ về thăm quê - xã Kim Liên, Nam Đàn.
Bác Hồ về thăm quê - xã Kim Liên, Nam Đàn.

“Con ơi nhớ lấy câu này/Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/Làm người đói sạch, rách thơm/Công danh là nợ nước non phải đền”- từ tứ thơ mà lúc sinh thời bà Hoàng Thị Loan (mẹ của Bác Hồ) thường hát ru các con, nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã sáng tác hai công trình đặc biệt là vở sân khấu và cuốn tiểu thuyết có cùng nguồn gốc văn học, cùng tên gọi “Nợ nước non”, nằm trong bộ sử thi nghệ thuật 3 phần “Nước non vạn dặm”.

Khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành

Vở sân khấu và tiểu thuyết “Nợ nước non” có nội dung về thời thơ ấu và tuổi trưởng thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là quá trình thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của thanh niên Nguyễn Tất Thành.

Trong vở diễn, tiểu thuyết có cùng tên gọi “Nợ nước non”, tác giả văn học và ê kíp nghệ thuật không chỉ khắc họa những ký ức lịch sử, xã hội, mà đi sâu luận giải những yếu tố văn hóa, tư tưởng, xã hội đã hun đúc, rèn giũa nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Văn Ba để Người có chuyến đi lịch sử vạn dặm từ quê nhà Nghệ An đến kinh đô Huế, qua Bình Định, Phan Thiết đến bến cảng Sài Gòn, cho chuyến vượt trùng khơi cứu nước ngày 5/6/1911. Sau này Người kể lại: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”.

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ tại Lễ công bố vở sân khấu và cuốn tiểu thuyết có cùng nguồn gốc văn học, cùng tên gọi “Nợ nước non”.

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ tại Lễ công bố vở sân khấu và cuốn tiểu thuyết có cùng nguồn gốc văn học, cùng tên gọi “Nợ nước non”.

Vở sân khấu “Nợ nước non” là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví, giặm, ca Huế, bài chòi, dân ca Nam Bộ. Tác phẩm do NSND Triệu Trung Kiên đạo diễn, Hoàng Song Việt chuyển thể kịch hát, với sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam và Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ.

NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ, tác phẩm sân khấu “Nợ nước non” khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung (bé Anh Đức sắm vai), Nguyễn Tất Thành (Minh Hải đóng) trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam, đặc biệt là sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.

Tác phẩm sân khấu “Nợ nước non” có nhiều cảnh diễn xúc động, cuốn hút như: đêm trăng bên dòng Lam của chàng trai Nguyễn Sinh Sắc với cô gái Hoàng Thị Loan; cảnh cha mẹ và ông bà ngoại đón bé Nguyễn Sinh Cung chào đời giữa mùa sen tháng 5 thơm ngát; cảnh gia đình Nguyễn Sinh Cung ở kinh thành Huế, mẹ Hoàng Thị Loan ra đi khi cha Nguyễn Sinh Sắc và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm đang ở xa, chỉ còn bé Cung bên mẹ và em Nhuận mới vài tháng tuổi…

Vở diễn “Nợ nước non” sẽ ra mắt công chúng đúng ngày hôm nay – kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ví dặm xứ Nghệ, một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh sẽ vang lên trong vở kịch hát. Diễn viên Minh Hải thể hiện hình tượng Nguyễn Tất Thành và cũng thật tình cờ, con trai của nghệ sĩ Minh Hải thể hiện cậu bé Nguyễn Sinh Cung trong vở diễn. Ê-kíp sáng tạo hy vọng với sự nỗ lực của 70 nghệ sĩ, diễn viên, “Nợ nước non” sẽ khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành gắn với câu chuyện của gia đình thông qua hình tượng bà Hoàng Thị Loan, cụ Nguyễn Sinh Sắc.

“Nợ nước non” từ những lời hát ru xứ Nghệ

Trong tiểu thuyết “Nợ nước non”, cùng với tuyến nhân vật chính, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đưa vào tác phẩm của mình các nhân vật như bà ngoại, những người thân trong gia đình của Nguyễn Sinh Cung như Út Huệ, Phúc, Út Tâm…, chí sĩ Phan Bội Châu, họa sĩ - thầy giáo Lê Văn Miến, Phan Đình Phùng, Vương Thúc Quý, Phan Chu Trinh, Đào Tấn… Nội dung của tiểu thuyết có những phần gần với vở diễn sân khấu cùng tên kể trên, cũng có những nội dung khác và mới, thể hiện bằng thi pháp và lợi thế của tiểu thuyết.

Tác phẩm “Nợ nước non”.

Tác phẩm “Nợ nước non”.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Trong tác phẩm của tôi có đoạn bà Hoàng Thị Loan ru Bác. Bà hát: Con ơi nhớ lấy câu này/Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/Làm người đói sạch rách thơm/Công danh là nợ nước non phải đền. Sau này, cũng trong tác phẩm, Nguyễn Tất Thành gặp cha mình khi cụ Sắc đang làm tri huyện Bình Khê, cụ nói với con trai nước mất đi tìm cha làm gì, phải đi tìm nước”.

Bằng sự nghiên cứu lịch sử, văn hóa công phu, nghiêm túc, sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê nhà Nghệ An và nhiều vùng đất khác, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh xã hội chân thực, sống động, giản dị, lôi cuốn người đọc qua từng trang viết. Người đọc như được về thăm, tìm hiểu mảnh đất xứ Nghệ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, được sống cùng Nguyễn Sinh Cung và gia đình từ lúc ở Nghệ An đến kinh thành Huế.

Tác giả cũng đã rất dụng ý, dụng công khi miêu tả những cuộc gặp gỡ, đàm đạo giữa ông Nguyễn Sinh Sắc, con trai Nguyễn Sinh Cung với nhà cách mạng Phan Bội Châu, với thầy giáo - họa sĩ Lê Huy Miến…

Viết về tuổi ấu thơ và tuổi trưởng thành của một nhân vật lịch sử, một vĩ nhân nhưng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ không mô tả tiểu sử nhân vật, mà điều quan trọng là khắc họa sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trước các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước và thế giới; các quá trình vận động lịch sử, các phong trào yêu nước và tìm con đường đi đúng đắn để giành lại độc lập, tự do cho nước, cho dân.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá, điều đặc biệt trong cuốn “Nợ nước non” là nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã không kỳ bí hóa hay thần thánh hóa một vĩ nhân lịch sử khi viết về thời niên thiếu của vĩ nhân đó. Thay vào đó, tác giả đã bình dị hóa tâm hồn cậu bé Cung, song vẫn đủ tinh tế để bạn đọc nhận ra sự trong sáng, khả năng tư duy, khí tiết, ý chí và một điều gì đó lớn lao ẩn chứa trong tâm hồn thơ trẻ ấy. “Những dòng cuối của tiểu thuyết đã đẩy cảm xúc tới đỉnh điểm. Những trang văn đẹp, xúc động, lớn lao dâng lên như từng đợt sóng. Hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành bước lên con tàu làm người đọc chìm vào cảm xúc thiêng liêng, ngập tràn niềm kiêu hãnh và nỗi đợi chờ lớn lao của những người đứng trên bờ đợi chờ ngày trở lại của con người đó”.

Theo nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, phần 2 và phần 3 của tác phẩm dự kiến sẽ ra mắt công chúng vào năm 2023-2024 với tên gọi “Lênh đênh bốn biển” và “Người về”. Tác giả sẽ khắc họa, lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Văn Ba -Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; sức cảm hóa lay động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế…

Ra mắt Tủ sách Hồ Chí Minh và khai trương phòng trưng bày sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) và 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2022), Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã ra mắt Tủ sách Hồ Chí Minh tập hợp hơn 200 đầu sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, được chia thành bốn mảng đề tài chính: các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh; các sách triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; sách về Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và những năm tháng Bác sống và làm việc tại nơi đây.

Các tác phẩm phong phú bao gồm sách nghiên cứu về tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; sách nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; những câu chuyện kể về Người; sách có nội dung về học tập, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh ở các địa phương, các ngành, lĩnh vực gắn với cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Người; sách viết về những tấm gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Đặc biệt, có nhiều cuốn sách là kết quả của hoạt động hợp tác gắn bó chặt chẽ, sâu sắc giữa Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Theo Ban Tổ chức, tủ sách nhằm tuyên truyền đến đông đảo bạn đọc về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – “biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam”, “kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại” để mọi tầng lớp nhân dân học tập, noi theo.

Song song với tủ sách giấy truyền thống, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cũng xây dựng tủ sách điện tử về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên hệ thống xuất bản điện tử trực tuyến stbook.vn.

Đọc thêm