"Không điếc vẫn không sợ súng"
Khảo sát ở Hà Nội, như khu vực làng Phú Đô (Từ Liêm), phố Nguyễn Quý Đức, phố Vũ Hữu (quận Thanh Xuân), đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên), một số phố thuộc quận Hà Đông… vẫn có nhiều quán bán cháo lòng, cháo gà, vịt có tiết canh vịt, ngan, lợn, thậm chí nhiều quán lớn hơn có bán tiết canh dê. Hỏi chuyện, chủ quán nào cũng bảo tiết canh làm sạch, an toàn và nếu có dịch thì chủ quán và nhân viên dính đầu tiên. “Chúng tôi giết mổ an toàn, những mối cung cấp hàng đều uy tín cả. Với lại dịch ở đâu ấy chứ, chưa thấy về đến Hà Nội” - một chủ quán ở Phú Đô vô tư cho biết.
Trước câu hỏi: Nhiều bệnh nhân cúm gia cầm phải nhập viện, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, có bệnh nhân đã chết, ông không biết sao? Ông chủ quán vô tư nói: “Chúng tôi bận tối mắt tối mũi vào kinh doanh, bán hàng, làm gì có thời gian mà đọc báo, xem tivi. Với lại cũng có thấy mấy mối người ta nói nhưng người ta chẳng sợ, bảo dịch ở nước nảo nước nào ấy, có thấy xuất hiện ở Hà Nội đâu mà lo”.
Đến quận Hà Đông - một nơi cũng có rất nhiều quán ăn có tiết canh, do nơi đây rất gần “thủ phủ” vịt cỏ, đó là thị trấn Vân Đình. Vịt được chuyển từ Vân Đình lên, rất nhiều chủ quán lựa thói quen và thị hiếu khách hàng nên đã lấy tiết canh là một trong những món làm thương hiệu của quán, thu hút thực khách. Họ không biết rằng hành động đó vô tình tạo điều kiện cho dịch bùng phát, gia tăng số người phải nhập viện do nhiễm khuẩn và virut.
Một nhân viên quán vịt ở đường 19-5 (quận Hà Đông) cho biết: “Khách đã nhậu thịt vịt thì cũng thích thưởng thức bát tiết canh. Nhất là những người thích uống rượu, bởi rượu và tiết canh hợp nhau. Có khách đến quán nhà em uống, còn nói uống rượu vào diệt luôn khuẩn trong tiết canh. Nên chẳng bao giờ sợ bệnh tật”.
Còn hỏi chuyện một vị khách ở đây, anh này cũng cho biết nhóm anh là công nhân xây dựng, vẫn thường chén tiết canh lợn, tiết canh vịt bao nhiêu năm mà chẳng hề hấn gì. Ngược lại, theo thực khách này, tiết canh có vị mát, bổ, tăng cường sức khỏe mà chẳng cần thuốc. Hơn nữa, món này lại rẻ.
Không nên hại chính mình
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do ăn tiết canh, gây nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Ngoài ra, ăn tiết canh lợn còn có thể bị nhiễm giun xoắn. Nhiều trường hợp chỉ 4 tiếng sau khi ăn tiết canh, bệnh nhân đã sốt cao và 16 tiếng sau đã sốc rất nặng…
Thực tế không phải hầu hết người sử dụng các loại tiết canh đều “điếc không sợ súng”. Có người thường xuyên xem thời sự, đọc báo, biết dịch cúm đang rình rập, áp sát người dân, có thể xâm hại đến cộng đồng bất cứ lúc nào nhưng vì liều lĩnh, bất cần vẫn cố tình ăn tiết canh.
Một điều cực kỳ nguy hiểm là người Việt ta dùng tiết canh cũng có tâm lý đám đông. Rất nhiều người quan niệm rằng làm ăn thua lỗ, chơi cờ bạc không được, đánh lô đề không trúng thì rủ nhau đi giải đen bằng cách uống rượu với tiết canh. Một bàn dùng được, bàn sau đến thấy bàn trước gọi tiết canh nên cũng học đòi gọi tiết canh.
Đây là điều chúng tôi ghi nhận được ở không ít quán ăn có món khoái khẩu này trên địa bàn Hà Nội và nhiều địa phương khác. Thêm nữa, rất nhiều người dân có trình độ thấp, tính a dua, ba phải cổ xúy cho việc dùng tiết canh trong cuộc nhậu. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, bởi rất nhiều người tự tay làm tiết canh để ăn còn bị nhiễm khuẩn, huống hồ ăn thứ người khác làm mà bản thân không biết họ làm thế nào.
Có lẽ hơn lúc nào hết, đây là thời gian cấp thiết để triệt để nói không với món tiết canh. Một số chuyên gia xã hội cho rằng, Nhà nước nên có văn bản cấm kinh doanh các loại tiết canh để khỏi ảnh hưởng đến cộng đồng. Trước mắt, chính người dân hãy vì sức khỏe của mình, gia đình và cộng đồng, không nên ăn tiết canh và tích cực bài trừ món ăn mất vệ sinh này.