5 tỉnh bùng phát dịch cúm gia cầm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện khẩn cho biết, dịch cúm đã xuất hiện trở lại ở 5 địa phương, là: Kiên Giang, Hậu Giang, Tây Ninh, Khánh Hoà, Điện Biên và nguy cơ lây lan trong diện rộng nếu như các địa phương lơ là việc dập dịch, đặc biệt là những nơi có ổ dịch cũ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện khẩn cho biết, dịch cúm đã xuất hiện trở lại ở 5 địa phương, là: Kiên Giang, Hậu Giang, Tây Ninh, Khánh Hoà, Điện Biên và nguy cơ lây lan trong diện rộng nếu như các địa phương lơ là việc dập dịch, đặc biệt là những nơi có ổ dịch cũ.

Cúm gia cầm đã bùng phát ở nơi có ổ dịch cũ
Cúm gia cầm đã bùng phát ở nơi có ổ dịch cũ.

Công điện yêu cầu tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm tại các tỉnh biên giới giáp với Campuchia, đồng thời điện yêu cầu nghiêm cấm các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới với Campuchia; nghiêm cấm di chuyển đàn gia cầm có nguồn gốc từ Campuchia sang lãnh thổ Việt Nam để nuôi, chăn thả và ngược lại...

Thông tin từ Cục Thú y cho biết, số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy đã lên tới hơn 14.000 con trong đợt dịch này. Nguyên nhân bùng phát dịch là do tái đàn chăn nuôi sau Tết tăng mạnh, thời tiết biến đổi làm giảm sức đề kháng của gia cầm, phần nữa là sự lơi lỏng của chính quyền địa phương nơi tập trung nhiều gà nhập lậu từ biên giới và trước đây từng là ổ dịch.

Điều lo ngại nhất hiện nay là virus trong không khí và vẫn còn lưu hành trên gia cầm và thủy cầm, bên cạnh đó, tình trạng gà nhập lậu đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, Cục Thú y sẽ liên tục cập nhật các thông tin về chủng virus để thông báo cho các địa phương để địa phương chủ động sử dụng loại vắcxin hiệu quả cũng như triển khai các biện pháp phòng chống, dập dịch khi dịch lây lan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương có dịch phải tổ chức tiêu hủy ngay đàn gia cầm nghi mắc bệnh, tiêu độc, khử trùng và quản lý chặt ổ dịch, nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra ngoài vùng dịch.  

Trong trường hợp bắt buộc phải vận chuyển gia cầm qua vùng dịch thì phải đi theo tuyến đường do Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm của tỉnh quy định, khử trùng tiêu độc ngay phương tiện vận chuyển sau khi đi qua vùng dịch.

Đồng thời, tổ chức tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà; địa phương cần xác định cụ thể các địa bàn có nguy cơ cao để ưu tiên tiêm phòng (khu vực giáp biên giới Campuchia, có ổ dịch cũ, xung quanh khu vực có ổ dịch mới, nơi có mật độ chăn nuôi gia cầm cao).

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã được Thủ tướng Chính phủ giao mua dự trữ 40 triệu liều vắcxin cúm gia cầm để tiêm phòng bao vây khẩn cấp khi có dịch xảy ra. Thời gian thực hiện từ ngày 1/3 đến ngày 31/12/2013.

Trường Lưu

Đọc thêm