Phong tỏa toàn tuyến biên giới ngăn virus H7N9

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát vừa phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus nguy hiểm có khả năng lây sang người. Trong đó, trọng tâm là ngăn chặn virus H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Chợ gia cầm sống là nơi có nguy cơ lưu trữ và phát tán virus H7N9 lớn nhất. Ảnh: Quốc Hùng
Chợ gia cầm sống là nơi có nguy cơ lưu trữ và phát tán virus H7N9 lớn nhất. Ảnh: Quốc Hùng
Bộ NN&PTNT lưu ý, hiện virus H7N9 chưa gây bệnh lâm sàng trên gia cầm, chỉ phát hiện qua các mẫu phân tích. Chợ buôn bán gia cầm sống và điểm thu gom, tập kết gia cầm được coi là nơi lưu trữ và phát tán virus. Gia cầm, sản phẩm gia cầm vẫn an toàn cho người nếu được giết mổ và chế biến đúng cách.
Để kịp thời ngăn chặn loại virus cúm nguy hiểm trên, Bộ NN&PTNT nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả hàng biếu, cho, tặng.
Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phương tiện vận chuyển hàng hóa qua lại đường biên giới. Cùng đó, các địa phương cấm buôn bán, thu gom, tập kết, giết mổ gia cầm tại khu vực đường biên, khu kinh tế mở, tránh hiện tượng hợp thức hóa gia cầm.
Trước mắt, Cục Thú y triển khai lấy mẫu phân tích tại các chợ gia cầm sống ở 9 tỉnh, thành: Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên. Mở rộng giám sát tại các tỉnh biên giới phía Bắc còn lại nếu tỉnh Vân Nam của Trung Quốc có lưu hành virus cúm A/H7N9.
Theo Cục Thú y, các nghiên cứu về việc vận chuyển gà loại thải ở Trung Quốc cho thấy, nhiều gà loại thải được vận chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam, đưa vào tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) giáp với Việt Nam (trong đó có qua các tỉnh đã phát hiện virus cúm A/H7N9).
Cùng đó, virus cúm cũng được phát hiện trên gia cầm và người ở tỉnh Quảng Tây, nơi giáp với 4 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam.
Trong khi đó, hiện việc buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới vẫn chưa chấm dứt. Do vậy, nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam rất cao (nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc và địa phương có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc).
Đến chiều 16/2, Cục Thú y cho biết, dịch cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện ở 10 tỉnh, thành: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên và Lào Cai.
Tại tỉnh mới nhất có dịch là Lào Cai, từ ngày 10 đến 15/2, các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện tại 15 hộ chăn nuôi, ở 5 thôn thuộc 3 xã của huyện Bảo Thắng, làm gần 7.000 gia cầm mắc bệnh. UBND tỉnh Lào Cai đã công bố dịch cúm gia cầm và triển khai các biện pháp cấp bách chống dịch.
Ngoài ra, một số địa phương khác xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi), nhưng đã được xử lý, không để lây lan. Trước tình hình trên, Cục Thú y đã thành lập 15 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương.
Trong tuần này, dự kiến đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu sẽ đi kiểm tra việc phòng chống dịch tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và chủ trì hội nghị ứng phó với dịch cúm gia cầm.

Đọc thêm