Vốn chính sách góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ đầu năm đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội đã giải ngân cho trên 30.000 lượt khách hàng vay vốn. Qua đó, góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
Quý I/2023, Chi nhánh NHCSXH Thành phố Hà Nội đã giải ngân cho trên 30 nghìn lượt khách hàng vay vốn. (Ảnh: hanoimoi.vn)
Quý I/2023, Chi nhánh NHCSXH Thành phố Hà Nội đã giải ngân cho trên 30 nghìn lượt khách hàng vay vốn. (Ảnh: hanoimoi.vn)

Bảo đảm an sinh xã hội

Thông tin tại buổi họp đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ quý II năm 2024 diễn ra vừa qua, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết: Tính đến ngày 31/3/2024, tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đạt 14.745 tỷ đồng, tăng 549 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách Thành phố đạt 7.689 tỷ đồng, tăng 821 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong quý I/2023, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã giải ngân cho trên 30 nghìn lượt khách hàng vay vốn, trong đó: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với trên 21 nghìn lượt khách hàng, góp phần thu hút, tạo việc làm cho trên 21,1 nghìn lao động; hỗ trợ vốn cho trên 9 nghìn lượt hộ cải tạo và xây mới trên 18 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh; hỗ trợ vốn trang trải chi phí học tập cho 18 lượt khách hàng vay vốn chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg; cho vay 44 lượt người chấp hành xong án phạt tù để sản xuất kinh doanh; cho vay 9 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo để xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND của HĐND Thành phố.

Theo Giám đốc Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội, các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; thực sự là công cụ, giải pháp đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới; hạn chế tín dụng đen và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

Đối với công tác ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội, ông Phạm Văn Quyết cho biết, tính đến 31/3/2024, tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị xã hội gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đạt 14.692 tỷ đồng với trên 268 nghìn khách hàng đang vay tại 7.074 Tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm tỷ trọng 99,9% tổng dư nợ, tăng 547 tỷ đồng so với đầu năm.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát cũng được Chi nhánh thường xuyên quan tâm, chú trọng để ngăn ngừa và khắc phục kịp thời các tồn tại, thiếu sót. Trong quý I/2024, Chi nhánh đã kiểm tra toàn diện tại 02 Phòng giao dịch, phúc tra tại 14 Phòng giao dịch và Hội sở Chi nhánh; kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động tại 19 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn…

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của NHCSXH vẫn còn khó khăn như: Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm mặc dù đã được thành phố quan tâm bổ sung hằng năm, mức cho vay bình quân đối với 1 khách hàng để sản xuất, kinh doanh trong quý I/2024 là 67 triệu đồng (tăng 9 triệu đồng so với mức cho vay bình quân năm 2023), nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của Nhân dân. Một số địa bàn còn có tình trạng chia nhỏ vốn cho nhiều người vay.

Trước những khó khăn trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị NHCSXH tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Ban đại diện để xây dựng báo cáo đầy đủ và cụ thể hơn; đánh giá kết quả thực hiện so với kế hoạch xây dựng của quý trước và đề ra nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể trong quý tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các thành viên Ban đại diện, NHCSXH Thành phố rà soát lại kế hoạch năm, việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời bổ sung hoặc điều chỉnh những mục tiêu, chỉ tiêu còn thiếu. Tiếp tục nghiên cứu tham mưu cơ chế, chính sách, đặc biệt cần chủ động rà soát trước Luật Thủ đô để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch.

“Chi nhánh NHCSXH Thành phố tích cực phối hợp các sở, ngành, cơ quan liên quan tham mưu UBND Thành phố và các quận huyện, thị xã, đặc biệt là các đơn vị chưa chuyển vốn năm 2024 tiếp tục bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay, đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Thêm vào đó, Ngân hàng cũng cần tập trung nâng mức cho vay đối với khách hàng, bảo đảm phù hợp nhu cầu và tình hình thực tế để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. “Ngân hàng cần ưu tiên vốn cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người mù, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…; rà soát nhu cầu, tập trung cho vay đối với các chủ thể OCOP, cho vay đối với nhu cầu lao động tại các làng nghề và làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố…” - ông Hà Minh Hải nói.

Đọc thêm