Chính sách tín dụng với người chấp hành xong án phạt tù: Điểm tựa tài chính cho những người từng lầm lỡ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã giúp những người từng lầm lỡ ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) khi trở về tái hòa nhập có nguồn vốn, có việc làm, thu nhập ổn định, mang lại hiệu quả tốt.
Cán bộ NHCSXH Vũ Quang thăm mô hình kinh tế của một khách hàng vay vốn theo Quyết định 22. (Ảnh: Hữu Anh)
Cán bộ NHCSXH Vũ Quang thăm mô hình kinh tế của một khách hàng vay vốn theo Quyết định 22. (Ảnh: Hữu Anh)

Từng một thời lầm lỡ, sau khi chấp hành tốt bản án, trở về với gia đình, anh Trần Vũ Thân (ngụ xã Thọ Điền) mong muốn tìm được cho mình công việc làm ăn ổn định, song ban đầu gặp một số trở ngại do thiếu vốn đầu tư; vay người quen, bạn bè thì gặp phải sự e ngại.

Anh Thân kể lại, năm 2022, chấp hành án xong, về địa phương không có vốn, tìm việc tự do cũng không đơn giản. Vợ chồng anh mở quầy tạp hóa nhỏ bán mà lời lãi rất ít, nhiều lần định vào Nam làm thuê nhưng lại phải xa gia đình, trong khi đó ở Thọ Điền là xã miền núi, đất đai nhiều.

Để giúp anh Thân tái hòa nhập cộng đồng, cán bộ địa phương đã trực tiếp xuống tận nhà để tìm hiểu nhu cầu làm ăn, bảo lãnh, tín chấp giúp anh và vợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng về tín dụng với người chấp hành xong án phạt tù. Sau đó anh được NHCSXH Chi nhánh Vũ Quang giải ngân cho vay 90 triệu đồng trồng keo tràm và chăn nuôi bò.

Anh Thân nói: “Trong thời điểm bí bách, tôi được NHCSXH tin tưởng, tạo điều kiện vay vốn mua keo giống về trồng và mua đôi bò nhân giống. Từ nguồn vốn đó cùng với hỗ trợ của anh em, tôi đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi và trồng keo, nay đã có việc làm cho bản thân”.

Ông Phan Thanh Tùng, Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Vũ Quang cho biết, tại huyện đã có 6 người chấp hành xong án phạt tù, được tạo điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định khi trở về địa phương với tổng số tiền 470 triệu đồng. “Vũ Quang là địa phương miền núi, đa số các trường hợp được vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp như keo tràm. Đây là chủ trương, chương trình cho vay rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi kỳ vọng nguồn vốn chính sách mang lại những thay đổi tích cực, kịp thời làm chỗ dựa cho người mới chấp hành án”, ông Tùng nói.

Chính sách vay vốn còn giúp cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tình nguyện viên ở cơ sở tiếp xúc dễ dàng, gần gũi hơn với nhóm yếu thế. Thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục làm việc với Công an huyện, chính quyền địa phương để triển khai tốt chương trình, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục theo quy định tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận vốn vay này.

Đại diện NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Quyết định 22 quy định 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá; cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng/người với vay vốn để đào tạo nghề; tối đa 100 triệu đồng/người với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Với cơ sở sản xuất, kinh doanh có lao động chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 2 tỷ đồng cho 1 dự án. Việc vay vốn được tính lãi suất vay bằng lãi suất cho vay hộ nghèo theo từng thời kỳ.

Thời gian qua, NHCSXH tỉnh đã phối hợp tiến hành các thủ tục, đẩy mạnh cho vay với người chấp hành xong án phạt tù. Dư nợ chương trình đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh đạt 4,2 tỷ đồng với 52 khách hàng thụ hưởng.

Nhiều ý kiến đánh giá, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ về mặt tinh thần, trợ giúp pháp lý... thì việc cung cấp nguồn vốn ưu đãi để người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện tham gia học nghề, tự tạo việc làm là giải pháp quan trọng để nhiều cuộc đời được mở sang trang mới; cũng là cách góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Đọc thêm