Một số chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng, cần phải thận trọng, nhất là yếu tố công nghệ đến từ các nhà đầu tư láng giềng.
Dòng vốn FDI có chiều hướng suy giảm
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2017 được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố hôm đầu tuần cho thấy, tổng vốn đầu tư của toàn bộ nền kinh tế trong 3 tháng qua ước đạt 297,8 nghìn tỷ đồng, bằng 108,8% cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, sự phục hồi này chủ yếu đến từ khu vực tư nhân, với lượng vốn 117,4 nghìn tỷ đồng, bằng 116,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn khu vực có vốn FDI, vốn có mức tăng trưởng trung bình 17%/quý và 11%/quý trong hai năm 2015 và 2016 nhưng trong 3 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 5,5%, đạt 80,5 nghìn tỷ đồng.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện VEPR, lượng vốn FDI giải ngân cũng bắt đầu có những dấu hiệu chững lại trong quý I, đạt 3,62 tỷ USD và chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức trung bình 10%/quý trong năm 2015). Bên cạnh đó, lượng vốn đăng ký mới tiếp tục xu hướng suy giảm từ đầu năm 2016. Trong quý I, chỉ có 493 dự án đăng ký mới với tổng vốn đăng ký đạt 2,92 tỷ USD.
“Điều này phản ánh thực trạng dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam giảm nhẹ trong năm 2016 và cho thấy phần nào ảnh hưởng của việc Mỹ rút khỏi TPP trong khi các FTA thế hệ mới vẫn chưa có tiến triển gì. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu của 2 quý và qua quan sát chúng tôi cảm nhận như vậy. Hiện tại chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi khuynh hướng này ”- TS. Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong quý I, vốn đăng ký bổ sung lại tăng mạnh đã giúp cho tổng vốn FDI đăng ký trong quý I vẫn đạt 7,7 tỷ USD, bằng 177% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, dòng vốn đầu tư vào nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo dẫn đầu với 6,55 tỷ USD, chiếm tới 84,9% tống vốn đăng ký. Lĩnh vực bất động sản đứng vị trí thứ hai với 0,34 tỷ USD và chiếm 4,5% tổng lượng vốn đăng ký trong quý I.
Theo VEPR, Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí số một trong các nhà đầu tư vào Việt Nam. Trong quý I, tính riêng dự án Samsung Display Việt Nam đã điều chỉnh tăng vốn đăng ký thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh, đưa mức vốn đăng ký của Hàn Quốc đạt 3,7 tỷ USD, tương đương 48,6% tổng vốn đăng ký. Đây được cho là nguyên nhân chính giúp vốn FDI đăng ký bổ sung tăng mạnh trong quý I.
Vì sao đầu tư Trung Quốc lọt vào “top” 3?
Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý nhất trong quý I chính là việc Trung Quốc đã vượt các nhà đầu tư khác như Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông... để trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam. Thống kê cho thấy, Trung Quốc đã có 66 dự án đăng ký mới và bổ sung vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 0,82 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong 3 tháng, lượng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã xấp xỉ bằng một nửa so với lượng vốn đăng ký của các nhà đầu tư nước này trong cả năm 2016 (1,88 tỷ USD).
Lý giải vấn đề này, TS. Thành cho rằng, Trung Quốc bắt đầu dư thừa vốn, giá lao động tăng rất nhanh nên nhu cầu dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc là rất lớn, không chỉ đến với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn đến ngay với các doanh nghiệp của Trung Quốc. Tuy nhiên, “các nhà đầu tư Trung Quốc đến Việt Nam thường không có công nghệ cao, cách thức làm ăn của họ cũng không được minh bạch nên chúng ta cũng có lý do để lo ngại khi dòng vốn từ nước này có chiều hướng tăng mạnh”- ông Thành nói.
Theo ông Trương Đình Tuyển – cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại, “phải hết sức cảnh giác” vấn đề rất lớn mà Việt Nam phải đối mặt từ nhiều năm nay là việc các nhà đầu tư Trung Quốc “tống” công nghệ cũ sang Việt Nam khi nền kinh tế Trung Quốc chuyển sang phát triển công nghệ cao. Nhấn mạnh yếu tố thị trường, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, để tránh bớt tai tiếng thặng dư thương mại với các đối tác lớn Trung Quốc cố gắng dịch chuyển phần sản xuất của họ ra nước ngoài.
“Khi chuyển sang Việt Nam nó trở thành sản phẩm Việt Nam sản xuất và xuất khẩu đi. Nếu Việt Nam mà là nước tiếp nhận, hoặc là bằng dòng đầu tư trực tiếp hoặc là bằng luồng nhập khẩu mang danh là có chế biến đi tí chút để xuất khẩu đi thì rút cục người được hưởng lợi chính vẫn là họ chứ không phải chúng ta, còn tai tiếng thì chúng ta phải lãnh...”, bà Lan cảnh báo.
Chuyên gia Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định, tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam không hề thấp nhưng tại sao công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm của Trung Quốc vẫn lọt vào được thì đó là câu chuyện của chính chúng ta, chúng ta phải tự trả lời (?!).