Vốn nhà nước có bị “bốc hơi” khi cổ phần hóa?

(PLO) - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo việc thu, chi Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp từ khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đến nay, đồng thời kiểm tra số vốn nhà nước đã “bán” trong các doanh nghiệp so với tổng số vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp này.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm một số “ông lớn” không thực hiện đúng quy định trong việc sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm
một số “ông lớn” không thực hiện đúng quy định
trong việc sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp 
Nhập nhèm…
Như trước đó PLVN đã thông tin, qua thanh, kiểm tra việc quản lý và sử dụng Quỹ này tại 24 tập đoàn, tổng công ty (TCT), Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện thay vì hỗ trợ sắp xếp DN theo đúng tên gọi của Quỹ thì các tập đoàn, tổng công ty lại dùng số tiền này để kinh doanh thu… lỗ.  
Đáng chú ý, có hàng loạt DN trong quá trình cổ phần hóa (CPH) đã chiếm dụng tiền bán vốn nhà nước, kinh doanh thua lỗ, khó khăn về tài chính đã không còn tiền trả Quỹ, thậm chí nhiều “ông lớn” còn phớt lờ tính tiền phạt chậm nộp theo quy định để thu hồi và hạch toán tăng Quỹ, trong đó điển hình là: TCT Hàng hải Việt Nam, TCT Thủy sản Việt Nam, TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, TCT Vật liệu xây dựng số 1...
Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị 10 TCT phải có biện pháp tích cực đôn đốc, thu hồi các khoản thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN  với số tiền hơn 801 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị 2 TCT thực hiện mở tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đối với số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN hơn 538 tỷ đồng...
Tìm hiểu của PLVN được biết, theo quy định, nguồn hình thành Quỹ chủ yếu là từ CPH các doanh nghiệp nhà nước (DNNN); nguồn thu từ sắp xếp chuyển đổi khác như giao, bán, giải thể, phá sản đối với các DN thuộc TCT; nguồn từ khoản lãi tiền gửi của Quỹ tại các ngân hàng thương mại và khoản tiền phạt chậm nộp; khoản tiền người lao động dôi dư đã nhận trợ cấp từ Quỹ hoàn trả lại khi được tái tuyển dụng. 
Theo Thông tư số 10 ngày 18/11/2013 của Bộ Tài chính, Quỹ này chỉ được chi để giải quyết chính sách đối với lao động khi các DN thuộc TCT, tập đoàn, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ, công ty con thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi sở hữu. 
Vốn nhà nước có thất thoát?
Về hoạt động Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN của các tập đoàn, TCT nhà nước năm 2014, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: việc bổ sung vốn điều lệ của tập đoàn, TCT nhà nước còn thiếu so với số vốn điều lệ đã được duyệt từ nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định trước khi hạch toán tăng nguồn vốn chủ sở hữu. 
“Đối với trường hợp các đơn vị tập đoàn, TCT sử dụng Quỹ chưa đúng, kể cả tăng vốn điều lệ, yêu cầu các Bộ chỉ đạo Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc báo cáo và kiểm điểm trách nhiệm không thực hiện đúng quy định. Cần thiết thì yêu cầu nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN trung ương.”- chỉ đạo của Thủ tướng.  
Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Tài chính tổ chức rà soát các tập đoàn, TCT nhà nước không có phương án sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN, có vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ được phê duyệt và không thuộc diện CPH năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chuyển Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN của các đơn vị này về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN tại TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; đề xuất biện pháp thu hồi và kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật đối với trường hợp sử dụng nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN không đúng quy định.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo tổng hợp số thu, chi Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN từ khi CPH DNNN đến nay (trong đó thu, chi qua từng năm), phân tích số vốn nhà nước đã “bán” trong các DN so với tổng số vốn của Nhà nước tại các DN này và số vốn cần “bán”, số cần “bán” tiếp trong thời gian tới.
“Khó thu hồi”  
Trao đổi với PLVN trước đó, ông Lương Đình Minh, Trưởng ban Kế toán TCT Hàng hải Việt Nam thừa nhận: “Giai đoạn 2010 trở về trước, Quỹ hình thành từ quá trình CPH các đơn vị trực thuộc nhưng DN này đã quản lý Quỹ này không tốt. Do giai đoạn này khủng hoảng kinh tế, TCT kinh doanh bị thua lỗ nhiều nên lãnh đạo TCT thời kỳ đó  đã chiếm dụng nguồn Quỹ này để trả nợ. 
Liên quan tới số tiền Quỹ mà TCT này đã chiếm dụng để trả nợ do kinh doanh thua lỗ giai đoạn trước, đến nay chúng tôi vẫn chưa có cách gì để thu hồi khoảng 200 tỷ đồng số tiền Quỹ bị chiếm dụng. TCT đã làm văn bản lên Bộ Tài chính đề xuất lên cho khất, sau này khi làm ăn có lãi thì chúng tôi sẽ bù trả nhưng tới nay Bộ Tài chính vẫn chưa có trả lời”. 

Đọc thêm