Vốn rẻ doanh nghiệp cũng không còn đủ sức vay

Báo cáo của các sở, ban, ngành của Thủ đô Hà Nội cho thấy, các cơ quan này đã triển khai hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhưng DN...  khó vẫn hoàn khó.

Báo cáo của các sở, ban, ngành của Thủ đô Hà Nội cho thấy, các cơ quan này đã triển khai hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhưng DN...  khó vẫn hoàn khó.

Nhìn vào báo cáo của Sở KH&ĐT, các chỉ số kinh tế quý I cho thấy tình trạng rõ sự giảm sút tiêu dùng và sản xuất. Ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở cho biết: Sản xuất công nghiệp, xây dựng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chỉ đạt 7,3%, thấp hơn mức 7,9% quý I/2012. Trong 45 sản phẩm công nghiệp chủ lực có 25 sản phẩm giảm sản lượng, và 5 sản phẩm giảm tới 60%.

 

Theo ông Quý, thành phố đã dành 50 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại, để kích thích tiêu dùng, tăng doanh số bán hàng cho DN. Đồng thời, triển khai gói hỗ trợ lãi suất sau đầu tư từ nguồn ngân sách 100 tỷ đồng để giúp DN giảm khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh. Triển khai thực hiện quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV với kinh phí 80 tỷ đồng.  Bên cạnh đó là các chính sách dãn thuế, giảm lệ phí với tổng số tiền thuế, lệ phí được gia hạn thời gian chậm nộp và giảm năm 2013 lên tới 14.434,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, lộ trình giảm lãi suất đã và đang được triển khai, lãi suất cho vay phổ biến với các lĩnh vực ưu tiên từ 9-12%, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp.

Thế nhưng dường như bất chấp tất cả các chính sách hỗ trợ nói trên, tổng dư nợ tín dụng ước chỉ đạt 624.250 tỷ đồng, giảm 4,39% so với tháng 12/2012. Nguồn vốn huy động cũng giảm 3,45% so với tháng 12/2012, ước đạt 865.960 tỷ đồng. Nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Vấn đề là DN không thể ”hấp thụ” được vốn ngân hàng. Khó khăn, trì trệ, hàng tồn kho đã đeo đẳng DN suốt cả năm 2012, đến 3 tháng nay vẫn chưa được cải thiện.

”Khó khăn đeo đẳng kéo dài hơn năm qua. Đến nay, một khi đã rơi vào cảnh kiệt quệ, thua lỗ thì DN còn đâu tài sản thế chấp mà vay vốn”, ông Đỗ Quang Hiển   Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội phát biểu. Ông Hiển cũng chính là Chủ tịch Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB).

“Lúc này nói thật là nhiều DN đã kiệt quệ", ông Đoàn Trọng Lý - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty chăn nuôi và chế biến xuất nhập khẩu phản ánh. Theo ông “DN đang không biết làm thế nào. DN đang rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan với ngân hàng khi vừa sa lầy vào nợ lãi ngân hàng, tài sản đảm bảo cũng nằm ở ngân hàng”. Vì vậy dòng tín dụng vẫn nghẽn và DN ngày một yếu ớt hơn. Đã vậy lãi suất dù đã hạ nhưng vẫn cao hơn sức chịu đựng của DN.

Ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ Hà Nội cho rằng, không chỉ là độ trễ mà chính sách ”đúng nhưng không trúng”. Vị này dẫn ra, những DN  phải trả lãi vay ngân hàng nhiều lại không được hỗ trợ, còn việc giảm thuế TNDN chỉ dành cho DN sử dụng  dưới 200 lao động, doanh thu dưới 20 tỷ đồng. “Chính sách về câu chữ không hề sai nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống”, ông Lý lên tiếng.

Đã vậy, theo ông Hiển, lúc DN gặp lúng túng, cần đề xuất, kiến nghị hoặc hướng dẫn của cơ quan quản lý thì  không  rõ cơ quan đầu mối nào để giải quyết. Theo ông, lãnh đạo thành phố nên đối thoại với DN 3 tháng/lần, tạo ra sự giao tiếp, thông suốt kịp giải quyết công việc phát sinh, trợ giúp DN.

Trước các DN, Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Thế Thảo cho biết sẽ chỉ đạo các sở, ngành, các quận, huyện triển khai tốt những giải pháp hỗ trợ DN, sẽ đôn đốc kiểm tra, phát hiện những biểu hiện sai lệch để kịp thời điều chỉnh, không để chính sách có độ trễ.  Thành phố sẽ  thành lập đường dây nóng, tổ công tác, Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN.

Linh Đan

Đọc thêm