Theo đề xuất này, số giờ làm thêm tối đa trong tháng từ 40 giờ tăng lên 72 giờ. Mức tối đa 300 giờ làm thêm trong năm được áp dụng cho tất cả ngành nghề, do phía chủ và người lao động thỏa thuận.
Giảm giờ làm là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, số giờ làm ở nước ta nhiều năm qua “rối như canh hẹ”, thay đổi liên tục, gần đây có xu hướng tăng dần. Bộ luật Lao động 2012 quy định thời gian làm thêm mỗi tháng không quá 30 giờ, đến 2019 đã tăng lên 40 giờ và hiện đề xuất không quá 72 giờ ở tất cả ngành nghề.
Lý do nằm ở chỗ mỗi nhóm đối tượng chịu sự tác động của quy định làm thêm giờ lại có một quan điểm khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau.
Về phía những nhà làm chính sách, luôn ý thức được việc nếu cứ tăng ca miệt mài cả tháng trời, người lao động sẽ mệt mỏi, năng suất lao động giảm, ảnh hưởng sức khỏe, đời sống cá nhân, dẫn tới nguy cơ người lao động dễ nghỉ việc. Thậm chí làm không có thời gian nghỉ sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ sau vì không trông nom được con cái, không có cơ hội học hỏi, tiếp xúc với cuộc sống. Nói cách khác sẽ trở nên đờ đẫn, sống và làm việc như một robot vô hồn.
Nhiều lao động trẻ rất ủng hộ việc tăng ca bởi tuổi trẻ “có gì khác ngoài sức khỏe” và đây là giải pháp duy nhất giúp một số lao động có thêm thu nhập. Trong một số cuộc khảo sát, nhiều lao động là công nhân thường trả lời “muốn tăng ca”. Bởi lương căn bản, thu nhập của nhóm này “quá thấp, không đủ sống”. Giữa tháng 10/2021, Tổng Liên đoàn Lao động đưa ra thông tin khi lấy ý kiến người lao động, hơn 80% công nhân đồng ý làm vượt trần quá 40 giờ mỗi tháng và đồng ý làm thêm 200-300 giờ mỗi năm. Một số công nhân chấp nhận làm thêm giờ bởi họ không có tích lũy, cuộc sống quá khó khăn, lương thấp.
Với những lao động đã có gia đình, đã có tuổi, sẽ đứng ngồi không yên mỗi lúc nghe nhà máy tăng ca. Nếu vợ chồng đều về trễ, các con phải tự kiếm mì gói ăn rồi đóng cửa phòng chờ bố mẹ là chuyện hàng ngày. Với những người này, làm thêm giờ thường chỉ phù hợp với người độc thân hoặc con cái gửi về quê. Còn lao động lớn tuổi khó “gồng” nổi khi phải ngồi liên tục 12 giờ.
Về phía doanh nghiệp, cũng “lúc nắng, lúc mưa”. Khi ít việc thì công nhân có muốn làm thêm cũng không được. Còn khi đơn hàng dồn đến gấp gáp, hay với đơn hàng theo mùa vụ, vượt khả năng và công suất của nhà máy thì thậm chí phải “năn nỉ” người lao động làm thêm. Doanh nghiệp cũng không thể tuyển người vào làm lúc cao điểm rồi sau đó lại cắt giảm.
Vậy đáp án nào dung hòa
được cho tất cả các nhóm đối tượng này? Nhiều chuyên gia nhìn nhận tăng ca là cần thiết, nhưng phải trên tinh thần tự nguyện, nếu người lao động không muốn tham gia thì nhà máy phải chấp nhận. Muốn người lao động chịu làm thêm giờ, nhà máy phải có chính sách chăm sóc tốt như thu nhập, ăn uống. Trong bối cảnh hiện nay tăng giờ làm thêm có thể góp phần phục hồi kinh tế sau dịch, nhưng về lâu dài không nên bởi đang đi ngược xu thế. Các nhà máy cần sắp xếp lại lao động, cải tiến dây chuyền sản xuất, ứng dụng công nghệ để tăng năng suất. Cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cần tính đến các giải pháp cải cách tiền lương, giúp công nhân sống được với thu nhập với 8 tiếng làm việc mỗi ngày.