Theo BCTC Quý II/2015 mới được Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố, tính đến ngày 30/6/2015, tổng dư nợ cho vay khách hàng của VPBank hiện đạt 96.279 tỷ đồng , tăng 22,8% so với thời điểm đầu năm (78.379 tỷ đồng).
Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 28.863 tỷ đồng, chiếm 29,98%; dư nợ cho vay trung hạn là 46,878 tỷ đồng, chiếm 48,69%; dư nợ cho vay dài hạn là 20.538 tỷ đồng, chiếm 21,33%.
So sánh với thời điểm đầu năm, tỷ trọng dư nợ ngắn hạn đang có xu hướng giảm (đầu năm là 31,79%), trong khi tỷ trọng dư nợ trung hạn (đầu năm là 47,65%) và dài hạn (đầu năm là 20,56%) lại đang có xu hướng tăng lên.
Song, ở phía ngược lại, giá trị huy động vốn lại chưa có được mức tăng trưởng tương xứng khi tính đến ngày 30/6/2015, giá trị khoản mục tiền gửi của khách hàng mới chỉ đạt 120.430 tỷ đồng, tăng 11,1% so với thời điểm đầu năm (108.354 tỷ đồng).
Theo đó, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động vốn) của VPBank hiện đạt 80%, trong giới hạn an toàn về thanh khoản và ngang mức trung bình của toàn hệ thống.
Chạy quá tốc độ cho phép (?)
Tăng trưởng tín dụng (xét theo giá trị cho vay khách hàng) đến 22,8% chỉ trong 6 tháng đầu năm, một thành tích tưởng chừng như ấn tượng nhưng cũng chính điều này lại đang làm khó nhà quản trị VPBank.
Bởi lẽ, theo phân bổ của Ngân hàng Nhà nước, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa mà VPBank được phép tiếp cận trong năm 2015 chỉ là… 18% (đáng nói, đây đã là mức tỷ lệ được Thống đốc chấp thuận điều chỉnh vào đầu tháng 7).
Có nghĩa rằng, “cỗ xe tín dụng” VPBank đang cho thấy những dấu hiệu chạy quá tốc độ cho phép và nếu không muốn cơ quan quản lý “tuýt còi”, VPBank chỉ còn hai con đường.
Con đường thứ nhất là xin NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng điều này không hề đơn giản. Bởi lẽ, chỉ tiêu hiện tại của VPBank đã từng được nới một lần vào ngày 8/7; chẳng dễ gì để Thống đốc điều chỉnh thêm lần nữa, đặc biệt là trong bối cảnh “bóng ma” nợ xấu vẫn rình rập quay trở lại. Còn đặt trường hợp NHNN chấp thuận điều chỉnh thì chắc hẳn mức điều chỉnh cũng không nhiều, và VPBank sẽ vẫn phải tiết cung (kiềm chế cho vay), nhất là khi đã vượt “room” đến 4,8%.
Con đường thứ hai là giảm dư nợ xuống ngưỡng cho phép. Nhưng phải khẳng định con đường này là con đường đau khổ. Giảm dư nợ tức là sẽ phải thu hồi các khoản cho vay cũ và hạn chế các khoản cho vay mới. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng cạnh tranh, sức “choán” và lợi nhuận của VPBank. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là khi NPL của VPBank đang mấp mẽ ngưỡng giới hạn 3%.
Ngoài ra, VPBank cũng có thể lựa chọn cách bán mạnh nợ xấu cho VAMC, qua đó, giảm dư nợ, giảm nợ xấu nhưng cách làm này cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy.
Mối nguy nợ xấu
Trở lại với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đã phân bổ cho VPBank, tại sao chỉ là 18% mà không phải cao hơn như SeABank (35%), TPBank (35%), Techcombank (30%), NamABank (25%), BaoVietBank (36%)…(?)
Nguyên căn chính có lẽ nằm ở câu chuyện nợ xấu khi mà tăng trưởng nóng luôn là con dao hai lưỡi, bài học của giai đoạn 2009 - 2012 vẫn còn nóng hổi.
Theo đó, năm 2014, trong khi toàn hệ thống phải “nghẹt thở” cán đích 13% thì tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của VPBank lại cao đến ngỡ ngàng: 49,4%. Hay, 6 tháng đầu năm 2015, trong khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ là 6% thì như đã đề cập, con số tương ứng của VPBank lại lên tới 22,8%.
“Cỗ xe tín dụng” VPBank rõ ràng là đang chạy quá nhanh và nhanh thường gây ra nguy hiểm.
Tính đến ngày 30/6/2015, VPBank đang có tổng cộng 7.082 tỷ đồng nợ quá hạn (nợ nhóm 2 đến nhóm 5), chiếm 7,4% tổng dư nợ và tăng 71% so với đầu năm. Trong khi, tổng nợ xấu là 2.661 tỷ đồng, chiếm 2,76% tổng dư nợ, tăng 34% so với đầu năm. Đáng chú ý, nhóm nợ “xấu nhất” - nợ có khả năng mất vốn đã vọt gấp đôi lên mức 1.076 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng.
Thêm vào đó là gần 4.842 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành – những khoản có bản chất là nợ xấu đã được “thay tên đổi họ”.
“Gánh nặng” nợ xấu khổng lồ ở VPBank đã không cho phép cơ quan điều hành mạo hiểm và đành phản hạn chế qouta tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng này ở mức 18%.
Được biết, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên, VPBank đã đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng tới 30% trong năm 2015.
Trước thông tin nêu trên, đại diện VPBank lý giải: Về cơ bản, con số 18% do NHNN cấp phép cho VPBank là dựa trên số liệu riêng lẻ, (không phải số liệu Hợp nhất, vì công ty con của VPBank là VPB FC cũng có hoạt động cho vay tín dụng tiêu dùng và được cấp phép tăng trưởng tín dụng riêng), tuy nhiên, nội dung và số liệu trong bài báo đang sử dụng số liệu hợp nhất để phân tích và chỉ phân tích trên số liệu cho vay khách hàng (nhưng thực tế tỷ lệ tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng nhà nước cấp phép cho các Tổ chức tín dụng được xác đinh trên số liệu dư nợ cho vay và đầu tư trái phiếu do tổ chức kinh tế phát hành), nên nếu chỉ dựa vào số liệu tăng trưởng cho vay khách hàng hợp nhất thì sẽ không thể kết luận là VPBank đã vượt mức trần về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng do NHNN cấp phép.
Căn cứ trên số liệu báo cáo tài chính riêng lẻ đã được kiểm toán tại 30.06.2015, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của VPBank là 11,42%, như vậy VPBank hoàn toàn chấp hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa mà VPBank được NHNN cấp phép trong năm 2015.
Căn cứ trên số liệu báo cáo tài chính riêng lẻ đã được kiểm toán tại 30.06.2015, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của VPBank là 11,42%, như vậy VPBank hoàn toàn chấp hành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa mà VPBank được NHNN cấp phép trong năm 2015.