VQG Phong Nha - Kẻ Bàng cứu hộ linh trưởng quý hiếm

(PLO) - Nhiều cá thể linh trưởng quý hiếm như Voọc Hà Tĩnh, khi mặt đỏ, Chà vá chân nâu, vượn đen má trắng... đã được cứu hộ kịp thời.
Một cá thể khỉ đuôi lợn do người dân giao nộp (Ảnh: VQG Phong Nha - Kẻ Bàng)
Một cá thể khỉ đuôi lợn do người dân giao nộp (Ảnh: VQG Phong Nha - Kẻ Bàng)

Ngày 22/2, thông tin từ Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình cho biết, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật (CH,BT&PTSV) thuộc đơn vị này vừa tiếp nhận 1 cá thể Voọc Hà Tĩnh quý hiếm do người dân tự nguyện giao nộp.

Giữa tháng 2/2017, anh Nguyễn Trường Khánh (trú tại phường Đức Ninh Đông, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) khi đi qua huyện Lệ Thủy thì bất ngờ phát hiện cá thể Voọc Hà Tĩnh này cổ bị đeo dây xích chạy dọc đường. Nghi ngờ đây là động vật hoang dã bị nuôi nhốt trái phép xổng chuồng, anh Khánh bắt lại và liên lạc với lực lượng chức năng để giao nộp.

Được biết, Voọc Hà Tĩnh có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis là loài linh trưởng đặc hữu Trường Sơn, chỉ phân bố chủ yếu ở tỉnh Quảng Bình. Hiện quần thể lớn nhất của loài này sinh sống trong VQG Phong Nha - Kẻ Bàng với chỉ khoảng 2.000 cá thể, quần thể thứ hai ở xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa với hơn 100 cá thể. Voọc Hà Tĩnh là biểu tượng của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB theo nghị định của Chính phủ và những hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ loài này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cá thể Voọc Hà Tĩnh quý hiếm mà trong tự nhiên hiện chỉ còn khoảng 2.100 cá thể (Ảnh: VQG Phong Nha - Kẻ Bàng).
Cá thể Voọc Hà Tĩnh quý hiếm mà trong tự nhiên hiện chỉ còn khoảng 2.100 cá thể (Ảnh: VQG Phong Nha - Kẻ Bàng).

Khi tiếp nhận, cá thể Voọc Hà Tĩnh này có trọng lượng 7kg, mất tập tính hoang dã do bị nuôi nhốt quá lâu. Hiện Trung tâm CH,BT&PTSV đang chăm sóc, theo dõi chặt chẽ và dùng phác đồ điều trị phù hợp để phục hồi sức khỏe cho cá thể Voọc quý hiếm này và tái thả về môi trường tự nhiên.

Được biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm này cũng đã tiếp nhận rất nhiều động vật hoang dã để cứu hộ, tái thả. Riêng các loại linh trưởng quý hiếm, Trung tâm đã tiếp nhận 1 cá thể khỉ mặt đỏ (tên khoa học là Macaca arctoides, loài nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB), 2 cá thể khỉ đuôi lợn (tên khoa học là Macaca leonine, thuộc nhóm IIB), 1 cá thể vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys, thuộc nhóm IB) và  1 mẫu tiêu bản khô loài Voọc chà vá chân nâu để phục vụ công tác giáo dục.