Có sự tính toán, tổ chức và cố tình
Liên quan đến vụ 152 khách bỏ trốn, khiến Đài Loan ra quyết định ngừng cấp thị thực du lịch cho các đoàn khách đến từ Việt Nam, trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Lê Hồng Thái, Phó Giám đốc HaNoitourist cho biết đây là một sự việc nghiêm trọng, đáng tiếc cho ngành du lịch Việt Nam. Nó không chỉ ảnh hưởng đến các công ty du lịch Việt Nam mà còn làm xấu hình ảnh của khách Việt tại các điểm đến.
“Sự việc này quả thực là “con sâu làm rầu nồi canh”, việc 152 du khách bổ trốn khi đi du lịch tại Đài Loan là cố tình. Với cái nhìn từ người làm nghề lâu năm, tôi nhận định sự việc này có sự câu kết của Công ty du lịch “International Holidays Travel” (công ty làm visa cho hành khách ) với Etholiday - hãng lữ hành chịu trách nhiệm đón các du khách Việt Nam và hành khách…” – ông Thái nói.
Theo ông Thái, đối với những người có ý định trốn sang nước ngoài lao động trái phép thì thái độ và hành trang của họ cũng khác so với những người thực sự có nhu cầu đi du lịch. Dựa vào thái độ, hành trang của họ cũng có thể phần nào đoán được. Vì những người đi trốn sẽ lén lút, lo lắng và hành trang của họ thường chỉ có ba lô, đồ cá nhân chứ không có các dụng cụ phục vụ kỳ nghỉ như máy ảnh…
Ông Thái cho biết, trong giới DN kinh doanh dịch vụ du lịch, có biết tới công ty này. Song đây là một công ty có quy mô rất nhỏ và không có uy tín.
Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,… đều là những nước và vùng lãnh thổ có nhu cầu lao động lớn. Vài năm gần đây, các kênh xuất khẩu lao động được siết chặt nên nhiều người đã sử dụng hình thức du lịch để trốn sang nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ghi nhận đoàn khách với số lượng lên tới 152 người cùng bỏ trốn.
“Tôi cho rằng đây là sự việc rất nghiêm trọng, có tổ chức, có tính toán chuyên nghiệp. Sự việc không những ảnh hưởng đến các công ty du lịch Việt Nam mà còn làm xấu hình ảnh của khách Việt tại các điểm đến”, ông Thái nhìn nhận.
Các công ty du lịch đang rất lo lắng vì giờ này bán và nhận khách du lịch nước ngoài rất nhiều. “Nếu chính sách thị thực được siết chặt chắc chắn sẽ dẫn đến nguy cơ sụt giảm lượng khách Việt du lịch Đài Loan, gây khó khăn cho công dân Việt Nam có nhu cầu du lịch Đài Loan thực sự và vô hình chung ảnh hưởng đến hình ảnh con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”.
Nhìn nhận về vụ việc, theo ông Thái: “rất có thể công ty đưa lượng khách này sang Đài Loan sẽ có hệ thống chân rết ở các tỉnh địa phương để có thể gom hành khách (những người có nhu cầu sang Đài Loan làm việc). Tuy nhiên, trong trường hợp này có thể chính những hành khách này lại là nạn nhân: khi ký kết với công ty này cũng không biết được việc mình sang đó lao động là theo đường chính ngạch hay không? Và có thể số tiền phải nộp cũng lớn hơn rất nhiều so với bình thường”.
“Những hành khách này có thể là không tập trung ở 1 thành phố mà tập trung ở các tỉnh và nhiều nhất là ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long vì nhu cầu đi Đài Loan ở khu vực này rất nhiều” – ông Thái chia sẻ thêm.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc HaNoiRedtours cho biết, trong 3 năm trở lại đây, Đài Loan xác định Việt Nam là thị trường tiềm năng nên đã có nhiều chính sách thu hút du lịch như: nới lỏng visa, kết hợp với các đơn vị hàng không tăng cường các chuyến bay.
Cụ thể, Việt Nam là một trong 6 nước Châu Á được hưởng chính sách ưu đãi về thủ tục xin thị thực du lịch Đài Loan từ năm 2015. Theo đó, các nhóm khách từ 5 người trở lên có thể xin thị thực điện tử thông qua các công ty du lịch được Đài Bắc chỉ định, để nhập cảnh vào Đài Loan mà không cần phải chứng minh về tài chính. Chính sách này được đánh giá là tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khi đến Đài Loan du lịch.
Vì vậy, lượng khách Việt đến Đài Loan luôn trong đà tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít trường hợp đã lợi dụng điều này để trốn sang Đài Loan lao động bất hợp pháp. Các công ty lữ hành thường xuyên phải đối mặt với các chiêu trò ngụy tạo hồ sơ tinh vi.
“Nếu tham gia trốn trót lọt một tour thì các đối tượng chỉ mất chi phí vài chục triệu đồng, trong khi đó đối với các con đường xuất khẩu lao động khác họ phải chịu một mức giá đắt đỏ hơn nhiều. Vì thế, nhiều người đã bất chấp thủ đoạn, hành vi để ngụy tạo hồ sơ, tiến hành mua tour rồi trốn ra ngoài làm”, ông Hoan nói.
Nhiều quốc gia đã phải thắt chặt chính sách visa để hạn chế khách Việt bỏ trốn
Việc người Việt Nam đi du lịch rồi trốn lại nước bạn không còn là chuyện mới mà đã xảy ra nhiều năm. Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông và Đài Loan là những quốc gia, vùng lãnh thổ có nhiều người Việt lợi dụng đi du lịch để trốn ở lại lao động trái phép.
Vào năm 2016, dư luận cũng từng xôn xao về vụ việc 56 khách du lịch bỏ tour, trong đó một số người đã đi làm ở các cơ sở chế biến thực phẩm tại đảo Jeju (Hàn Quốc). Làm việc với cảnh sát sở tại, 3 trong số 56 khách bỏ tour trên cho biết, họ phải trả khoảng 15.000 USD cho môi giới Việt Nam để tới Jeju. Truyền thông Hàn Quốc cũng thông tin, kể từ khi đảo Jeju bắt đầu áp dụng luật miễn visa du lịch vào năm 2002, đây là cuộc bỏ trốn có quy mô lớn nhất, với tổng cộng 56 người Việt Nam.
Để ngăn chặn tình trạng này, một số quốc gia đã có chính sách visa hoặc kiểm duyệt rất chặt với khách du lịch Việt Nam như: Không cấp visa cho khách đến từ một số tỉnh, địa phương có nhiều người trốn ở lại, công ty du lịch để lọt người trốn lại sẽ bị phạt rất nặng hoặc không cấp phép hoạt động ở nước sở tại trong thời gian nhất định.
Nhiều công ty lữ hành cho biết, hiện nay các đối tượng ngụy tạo hồ sơ rất tinh vi, chuyên nghiệp khiến các công ty lữ hành dù đã thẩm định nhưng vẫn bị “sập bẫy”.
“Nhiều công ty, tổ chức ngụy tạo hồ sơ bằng cách mua tour cho hàng chục, thậm chí hàng trăm người dưới danh nghĩa là tổ chức tour du lịch cho nhân viên xuất sắc. Thực chất họ là những công ty ma, môi giới lao động bất hợp pháp, lợi dụng việc du lịch để đưa người sang các quốc gia khác làm việc”, Ông Lê Hồng Thái nhận định.
Việc kiểm tra hồ sơ xin cấp thị thực của doanh nghiệp lữ hành theo đại diện này chỉ mang tính chất nghiệp dư, bất đắc dĩ. Các công ty du lịch không đủ thẩm quyền để xác minh tính chính xác của nhiều hồ sơ.
Để giữ uy tín, các công ty lữ hành kinh doanh nghiêm túc đã có nhiều biện pháp sàng lọc kỹ lưỡng để phát hiện những đối tượng có khả năng trốn lại cao như chứng minh tài chính, xác định nơi cư trú, nghề nghiệp rõ ràng, phỏng vấn… Tuy nhiên, tình trạng khách du lịch bỏ trốn vẫn xảy ra.
Để tránh các sự cố không mong muốn, ông Lê Hồng Thái cho rằng, sau sự việc này, các cơ quan chức năng Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý có biện pháp xử lý nghiêm khắc để đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xem xét năng lực của các doanh nghiệp lữ hành, “bởi sau sự việc này công ty đó cùng lắm bị rút giấy phép nhưng có thể nó lại hình thành một công ty khác, theo kiểu “bình mới rượi cũ” với cái tên khác và tiếp tục hoạt động trái phép”, ông Thái lo lắng chia sẻ.