Chính phủ hai lần chỉ đạo
Ngày 16/7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan kiểm điểm lại trách nhiệm người đứng đầu Cục Hải quan TP HCM và Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 vì để 213 container hàng quá cảnh “mất tích”.
Trong công văn chỉ đạo, Phó Thủ tướng nêu rõ: “Yêu cầu thực hiện lại việc kiểm điểm trách nhiệm sau khi xem xét báo cáo của Bộ Tài chính về kết quả xử lý cán bộ, công chức có liên quan. Cần xem xét có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với lãnh đạo Cục Hải quan TP HCM, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 1/9/2018”.
Đây là lần thứ 2, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan phải xem xét lại hình thức kiểm điểm trách nhiệm đối với người đứng đầu Cục Hải quan TP HCM và đơn vị liên quan đến vụ “mất tích” 213 container hàng cấm tại Cảng Cát Lái, TP HCM. Trước đó là chỉ đạo vào tháng 3/2018.
Trong thông báo của mình vào đầu năm nay, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng vụ việc “mất tích” 213 container “ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỷ cương và pháp quyền của ngành Hải quan khi cán bộ trực tiếp dính líu và tiếp tay cho hàng lậu, hàng cấm tiêu thụ”. Tuy nhiên, đã một năm qua, vụ việc vẫn không được cơ quan quản lý của ngành Hải quan xử lý triệt để kể từ khi phát hiện năm 2017.
Công văn chỉ đạo lần 2 của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình |
“Con voi chui lọt lỗ kim”
Sự việc bắt nguồn từ giữa năm 2015, cơ quan chức năng phát hiện 213 container quá cảnh qua cảng Cát Lái, trung chuyển bằng đường bộ xuất đi Campuchia. Lô hàng này sau đó được đem khỏi cảng nhưng không có hồ sơ xuất.
Sau đó, Tổng cục Hải quan đã chủ động thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển độc lập tại một số cục hải quan tỉnh, thành khu vực trọng điểm phía Bắc và phía Nam. Từ đó đã kết luận: Vào giữa năm 2015 có 213 container của 56 doanh nghiệp vận chuyển quá cảnh qua cảng Cát Lái (quận 9, TP HCM - cửa khẩu nơi đi) để trung chuyển bằng đường bộ, sau đó tái xuất đi Campuchia (cửa khẩu nơi đến). Tuy nhiên, số container trên đã được doanh nghiệp vận chuyển khỏi cảng Cát Lái nhưng không được đưa đến cửa khẩu xuất theo quy định mà được xé lẻ tiêu thụ ngay tại nội địa.
Được biết, toàn bộ số hàng trong 213 container tạm nhập tái xuất vào Việt Nam là hàng điện tử, thiết bị điện tử đã qua sử dụng nằm trong danh mục cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Hàng chủ yếu là nồi cơm điện, tủ lạnh, điều hòa và thiết bị điện cũ...
Trong khi đó, toàn bộ 56 doanh nghiệp đăng ký vận chuyển quá cảnh đã không còn hoạt động hoặc không có trụ sở tại địa chỉ đã đăng ký doanh nghiệp khi cơ quan chức năng tìm đến.
Vụ việc được Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính nêu rõ “có bàn tay đạo diễn” của cán bộ hải quan trong khi thi hành công vụ đã xóa dữ liệu hải quan (BOA - hệ thống xác nhận hàng hóa quá cảnh đã làm thủ tục hải quan ở cửa khẩu nơi đi) trên hệ thống để thuận lợi hóa cho việc tiêu thụ hàng lậu.
Liên quan đến vụ việc này, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng Bộ Công an (C46) đã bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Lâm (công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1, Cục Hải quan TP HCM) và ông Trần Thanh Tùng (công chức Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh).
Kết luận ban đầu cho thấy, ông Lâm đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, cố ý không thực hiện đúng các quy định của ngành Hải quan, tiếp tay cho một số người lợi dụng chính sách trung chuyển, quá cảnh hàng hóa để nhập hàng cấm từ nước ngoài vào tiêu thụ ở Việt Nam. Ông Tùng đã biết nhưng không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không quản lý seal theo quy định của Tổng cục Hải quan gây hậu quả nghiêm trọng. Trong quá trình điều tra, xác minh 213 container bị mất tích, các cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ hơn 100 container hàng hóa có hình thức vi phạm tương tự nói trên.
Sai phạm nghiêm trọng vẫn “hoàn thành nhiệm vụ”
Đầu tháng 3/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình có công văn yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xử lý, quy trách nhiệm người đứng đầu Cục Hải quan TP HCM khi xảy ra vụ việc nêu trên và yêu cầu báo cáo vào cuối tháng 3.
Tuy nhiên, hết tháng 3/2018, theo thông tin từ Bộ Tài chính, Cục Hải quan TP HCM đã báo cáo xử lý trách nhiệm chỉ có 29 cán bộ công chức, viên chức trực tiếp dính líu vào vụ việc bị thi hành kỷ luật (khiển trách và hạ mức phân loại cán bộ), chưa có cán bộ nào là lãnh đạo của Cục Hải quan TP HCM bị xem xét trách nhiệm và chịu trách nhiệm liên đới.
Dư luận đang đặt câu hỏi, trách nhiệm chính của những người đứng đầu đơn vị ngành Hải quan TP HCM ở đâu sau sai phạm “tày trời” trên? Tuy nhiên, những cán bộ công chức này lại chỉ chịu hình thức kỷ luật nhẹ nhàng: Ba lãnh đạo Chi cục và 3 đội trưởng của Hải quan theo các thời kỳ có liên quan trực tiếp đến vụ việc bị hạ một mức phân loại (từ hoàn thành xuất sắc xuống mức hoàn thành tốt nhiệm vụ), người nặng nhất bị hạ 2 bậc lương, xuống còn “hoàn thành nhiệm vụ”. Xa hơn, trách nhiệm của Cục Hải quan TP HCM ở đâu khi để xảy ra chuyện “mất tích” hàng trăm container và thống nhất đưa ra hình thức kỷ luật như đã nêu trên?
Với báo cáo xử lý trách nhiệm trên của Cục Hải quan TP HCM, Bộ Tài chính nhìn nhận: Kết quả xử lý của Cục Hải quan TP HCM mức xử lý chưa nghiêm khắc, chưa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa sai phạm, chưa tương xứng với hậu quả xảy ra.