Vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong: Bác sỹ Lương không tin tưởng Viện kiểm sát?

(PLO) - TTong phiên làm việc ngày thứ 2, bác sỹ Hoàng Công Lương đã sử dụng quyền im lặng khi bị Viện kiểm sát đặt câu hỏi có hướng “quy kết tội”.
Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Trước bục khai báo, bị cáo Hoàng Công Lương nói rằng trước khi phiên xử bắt đầu, thông qua báo chí, bản thân đã nhận được thông tin người đứng đầu Viện kiểm sát quy kết tội cho mình với lý do không ký thì không chết người. Do đó, bị cáo Lương đã sử dụng quyền im lặng. “Khi Viện kiểm sát hỏi hai bị cáo còn lại sáng nay cũng có hướng quy kết tội cho bị cáo, nên bị cáo không tin tưởng Viện kiểm sát. Bị cáo xin giữ im lặng, bị cáo nhường quyền cho luật sư chứng minh bị cáo vô tội”, bác sĩ Lương nói.

Giải thích  quyền giữ im lặng của bị cáo tại phiên tòa, HĐXX cho biết, đây là quyền của bị cáo.Tuy nhiên, người hỏi vẫn có quyền hỏi, còn bị cáo có trả lời hay không thì là quyền của bị cáo.

Khi bị cáo Lương giữ quyền im lặng, VKS không hỏi nữa và bắt đầu tuyên bố bút lục về các lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra.  

Tới lúc VKS đọc lời khai của bị cáo Lương về việc phân công nhiệm vụ, bị cáo này lại xin được trả lời để giải thích nội dung VKS vừa công bố.

Theo bị cáo,ngày 1/7/2017,  cơ quan điều tra tiến hành hỏi cung bị can tại trại tạm giam. Cơ quan điều tra đã đưa cho bị cáo xem lời khai của ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức tích cực. Lúc đó bị cáo không biết tin vào ai nên đành phải dựa theo lời khai của ông Khiếu.

Cũng trong phiên tòa  hôm qua,mặc dù đã nói sẽ thực hiện quyền im lặng, nhưng đến khi người đại diện quyền công tố tại phiên tòa tiếp tục đọc bút lục công bố lời khai của các bệnh nhân về y lệnh thì bị cáo Lương lại tiếp tục lên tiếng. Theo lời khai của các bệnh nhân, y lệnh điều trị là do bác sỹ Lương thực hiện một mình, trong khi với y lệnh của 2 bác sỹ còn lại tại đơn nguyên Thận nhân tạo, bác sỹ Lương cũng ký.

Bị cáo Lương lý giải đó là sự "chia sẻ trách nhiệm với các đồng nghiệp".

Trong khi đó, trả lời xét hỏi của Viện kiểm sát, bác sĩ Hoàng Đình Khiếu (Trưởng khoa Hồi sức tích cực) cho biết công việc cụ thể của bác sĩ Lương là khám, điều trị cho người bệnh và phân công các bác sĩ khác. Theo lời ông Khiếu, sự khác biệt giữa bác sỹ Lương và 2 bác sĩ khác tại đơn nguyên thận nhân tạo là đã học xong thận nhân tạo, là người có thâm niên công tác nên đương nhiên các bác sĩ khác phải tuân thủ ý kiến của bác sĩ Lương.

Cũng trong phần này, ông Khiếu cho biết, sáng 29/5/2017, ông chưa nhận được báo cáo của ai khi sửa chữa xong hệ thống nước RO số 2 thì thiết bị đã đưa vào sử dụng. Sau khi sự cố xảy ra, khoa phải xin ý kiến của Bệnh viện Bạch Mai vì đây là sự cố “chưa bao giờ gặp”.

Trong khi đó, ông Hoàng Công Tình (Phó khoa) cho biết họ chỉ học về điều trị chăm sóc bệnh nhân chứ không được học về nguồn nước. Còn về quy trình máy móc sau khi sửa chữa có bắt buộc phải làm xét nghiệm nguồn nước trước khi đưa vào sử dụng thì ông Tình không nắm được vì trách nhiệm là của Phòng Vật tư. 

Ngày 16/5, phiên tòa xét xử bị cáo Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh), Trần Văn Sơn (SN 1990, cán bộ Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) và Hoàng Công Lương (SN 1986, bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực – Đơn nguyên thận nhân tạo – Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) về tội Vô ý làm chết người, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bước sang ngày làm việc thứ 2.

Đọc thêm