Vụ án cháy 5 ngôi nhà: Né trách nhiệm bằng việc “miễn truy cứu”?

(PLO) - Sau gần 5 năm khởi tố bị can thì mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã có Quyết định “đình chỉ điều tra bị can” đối với ông Nguyễn Duy Bộ (hộ khẩu thương trú  tại ngõ 71 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) với lý do “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Ông Bộ (ngoài cùng bên trái) cùng hai bị cáo Ngọc và Quyền tại phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai.
Tuy nhiên, ông Bộ vẫn tiếp tục khẳng định mình không có tội nên cần phải được xác định là “không thực hiện hành vi tội phạm” chứ không thể là “miễn truy cứu”.
Tài sản “phát lửa” là của bên thuê nhà
Như PLVN đã từng thông tin thì nguyên nhân vụ cháy 5 nhà (số 481, 483, 485, 487, 489) tại phố Tam Trinh  vào sáng 27/10/2008 được CQĐT Công an quận Hoàng Mai và VKSND quận Hoàng Mai (Hà Nội) xác định là do Nguyễn Văn Quyền hàn cắt khung sắt trước cửa nhà 485 không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC). 
Ngoài việc khởi tố Quyền về tội “Vi phạm quy định về PCCC”, CQĐT còn khởi tố ông Nguyễn Duy Bộ (chủ nhà 485) vì cho rằng ông này “là chủ nhà đang quản lý, sử dụng hợp pháp” nhưng “không có biện pháp PCCC” theo trách nhiệm của mình. Lê Văn Ngọc (chủ cửa hàng  cơ khí, nơi Quyền làm thuê) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”. 
Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra, truy tố và tại các phiên tòa sơ thẩm, ông Bộ đều kêu oan và cho rằng mình không thuê Quyền hàn sắt gây ra vụ cháy trên. Thừa nhận là chủ nhà 485 Tam Trinh nhưng ông Bộ cho hay lúc đó ngôi nhà đang được bà Đặng Thị Lý thuê để chứa hàng hóa. Chính bà Lý là người thuê nhóm thợ hàn đến hiện trường để hàn cắt khung sắt, chuyển sang nhà 487 Tam Trinh (do nhà 485 Tam Trinh sắp hết hạn thuê). 
Khi trả hồ sơ điều tra bổ sung, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND quận Hoàng Mai cũng đã yêu cầu làm rõ một số nội dung, trong đó có việc “xác định rõ khung nhà khung sắt hai tầng mái tôn và những tấm tôn bao quanh là của ai. Đây là điểm mấu chốt của vấn đề…Vậy, phải xác định ai là chủ tài sản phải là người chịu trách nhiệm hình sự, dân sự trong việc thuê thợ hàn cắt rồi gây cháy”.
Thực hiện yêu cầu này, sau khi điều tra bổ sung, CQĐT đã có kết luận “tấm tôn khi Quyền hàn cắt để dỡ ra là của bà Lý” (do bà Lý cơi nới thêm) và “Quyền sử dụng nguồn điện chung của hai nhà 485 và 487 để hàn”. Tuy nhiên, cơ quan này lại cho rằng bà Lý không yêu cầu dỡ khung tôn sắt về. Việc hàn cắt khung tôn sắt của bà Lý là do ông Bộ thuê và chỉ đạo Quyền làm nên ông Bộ phải cùng chịu trách nhiệm về thiệt hại do vụ cháy.
Nhưng cho rằng nguyên nhân trực tiếp của vụ cháy là do Quyền dùng máy hàn cắt sắt nên CQĐT đã ra quyết định “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” cho bị can Bộ theo Khoản 1 Điều 25 BLHS (tức là do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa).
Tiếp tục kêu oan
Cần nhắc lại rằng, bản cáo trạng trước đó đã từng khẳng định ông Bộ yêu cầu bà Lý tháo dỡ toàn bộ khung nhà sắt gác xép (vị trí bà Lý cơi nới trước cửa nhà 485) và “bà Lý đã thuê Ngọc làm việc này. Ngọc đã chỉ đạo thợ làm”.
Chính vì vậy, ông Bộ không đồng ý với việc miễn truy cứu này và tiếp tục khẳng định mình không thực hiện hành vi tội phạm. “VKS đã kết luận bà Lý thuê Ngọc tháo dỡ toàn bộ khung sắt. Tại sao CQĐT lại cứ khăng khăng bảo bà Lý không yêu cầu tháo dỡ? Tài sản này thuộc sở hữu của bà Lý, thợ hàn do bà Lý thuê đến thì tôi có quyền gì để chỉ đạo thợ hàn cắt chỗ này, bỏ chỗ khác được? Thử hỏi, thợ hàn có dám làm theo chỉ đạo của một người ngoài như tôi không?”- ông Bộ nêu ý kiến.
Ngoài xác định rõ người sở hữu khung sắt là bà Lý, CQĐT cũng đã phải thừa nhận máy hàn dùng nguồn điện “chung của hai nhà 485 và 487” chứ không kết luận là dùng điện trước cửa nhà 485 như trước đây. 
Trong khi đó thì những chứng cứ chứng minh việc ông Bộ thuê hoặc chỉ đạo Quyền hàn cắt sắt… còn rất mù mờ và nhiều mâu thuẫn. Chính vì vậy mà trong 5 năm qua, HĐXX TAND quận Hoàng Mai đã phải trả hồ sơ rất nhiều lần để yêu cầu điều tra bổ sung.
Với tình trạng không có chứng cứ để kết tội như trên, ông Bộ cho rằng: “Trách nhiệm thực hiện công tác PCCC trong trường hợp này là thuộc về bà Lý, với tư cách là người quản lý căn nhà, chủ sở hữu vật gây cháy, người thuê thợ hàn, chủ nguồn điện… chứ không phải là của tôi. Lúc xảy ra cháy, gia đình tôi chưa nhận bàn giao lại căn nhà 485, chưa nhận bàn giao phần ban công tầng 2 vì bà Lý vẫn còn khung tôn sắt ở đây. Tôi là người đã cho thuê nhà, giao nhà cho người khác thì tại sao lại bắt tôi phải chịu trách nhiệm?”.
Trong khi đó, một số luật sư cho rằng, nếu CQĐT miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho ông Bộ thì phải nêu cụ thể việc “chuyển biến tình hình” như thế nào. Hành vi trực tiếp gây cháy của Quyền không thể coi là “chuyển biến tình hình” được vì hành vi của Quyền từ trước đến nay vẫn thế. 
Phải chăng CQĐT thực hiện “miễn trách nhiệm” cho ông Bộ để “né” trách nhiệm bồi thường khi đã trót khởi tố “non” đối với ông này?/.

Đọc thêm