Suốt 37 năm qua, bà Nguyễn Thị Mai (ngụ số 38 Quang Trung, khóm 5, phường 5, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) vẫn kiên trì đến các cơ quan chức năng đề nghị công nhận liệt sĩ cho chồng mình là Thiếu úy Lữ Anh Dồi, thuộc lực lượng Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tỉnh Minh Hải (cũ), người đã qua đời trong vụ án năm 1979.
Vụ án chấn động
Theo hồ sơ, vụ án Thiếu úy Lữ Anh Dồi xảy ra tại tỉnh Minh Hải cũ (nay là tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu). Theo đó, vào lúc 13h ngày 27/3/1979, tại sàn lựa thủy sản của cửa hàng thu mua thủy sản Hộ Phòng (nay thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), Thiếu úy Dồi đã bị bắn chết bởi bốn phát súng của đồng đội là chuẩn úy Thái Văn Hùng.
Vụ án sau này được làm rõ như sau: Vào đầu tháng 2/1979, Nguyễn Ngọc (tên thật là Nguyễn Văn Thụ) lúc đó là Trung tá, Phó ty Công an, kiêm Chỉ huy trưởng Công an vũ trang tỉnh Minh Hải (cũ) bí mật chỉ đạo cho Thái Văn Hùng, chuẩn úy, thuyền trưởng tàu 3209 (thuộc Công an vũ trang tỉnh Minh Hải), cùng với Thiếu úy Dồi hóa trang móc nối với một đường dây tội phạm để bố trí bắt quả tang.
Vào lúc 13h ngày 27/3/1979, Thái Văn Hùng cho tàu 3209 đến đậu tại trạm thu mua hải sản Hộ Phòng và sắp xếp cho 53 người xuống tàu. Lúc này Thái Văn Hùng và Lữ Anh Dồi đang vừa đi vừa nói chuyện trên sàn nhà trạm hải sản. Khi thấy những người vi phạm pháp luật đã xuống tàu, Thái Văn Hùng cho bắn 3 phát súng chỉ thiên để báo động cho lực lượng đến vây bắt, đồng thời bất ngờ rút súng ngắn ra bắn liên tiếp 4 phát vào anh Dồi, làm anh Dồi chết tại chỗ.
Sau khi bắn chết Thiếu úy Lữ Anh Dồi, Nguyễn Ngọc đã chỉ đạo nhiều báo cáo sai sự thật, điển hình là báo cáo tổng hợp số 05, nội dung vu khống Lữ Anh Dồi cấu kết với các đối tượng vi phạm, khi bị phát hiện lại cố tình cướp súng chống cự nên bị tiêu diệt.
Trước cái chết với nhiều tình tiết có phần mờ ám, khuất tất của chồng, bà Nguyễn Thị Mai - vợ Thiếu úy Dồi - đã nhiều lần khiếu nại đề nghị làm rõ sự việc. Bà đã phải chịu đựng một thời gian dài với những nghi vấn rằng Thiếu úy Dồi “là kẻ phản bội Tổ quốc”, “câu kết với tội phạm”, “khi bị phát hiện còn chống cự nên bị tiêu diệt”.
Bà Mai đi tìm hiểu sự thật về cái chết của chồng. 9 năm sau, năm 1988, nhiều tình tiết trong vụ án Thiếu úy Lữ Anh Dồi đã được Tòa án quân sự các cấp làm rõ, đưa ra ánh sáng và xác định Thiếu úy Lữ Anh Dồi không mang tội phản quốc, hành động của Thái Văn Hùng là làm theo sự chỉ đạo của Nguyễn Ngọc.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 36/ST ngày 12/6/1988 của Tòa án Quân sự Quân khu 9, Bản án hình sự Phúc thẩm số 143/HSPT ngày 12/4/1989 của Tòa án Quân sự cấp cao, Bản án Giám đốc thẩm số 22 ngày 8/6/1990 của Ủy ban Thẩm phán TANDTC và Quyết định Giám đốc thẩm số 01/HS-HĐTP ngày 21/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc 20 năm tù về tội giết người, 3 năm tù về tội vu khống (vu khống Thiếu úy Lữ Anh Dồi phản quốc), tổng hợp hình phạt chung là 20 năm tù; Thái Văn Hùng 18 năm tù về tội giết người; buộc các bị cáo phải bồi thường đầy đủ thiệt hại cho thân nhân Thiếu úy Dồi.
Khẳng định Thiếu úy Dồi không phạm tội “phản bội Tổ quốc”, Tòa án cũng đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng phục hồi chế độ chính trị và giải quyết chế độ chính sách cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi.
Mỏi mòn kiến nghị
Bà Nguyễn Thị Mai, người đã thủ tiết dành gần cả một đời cho hành trình kêu oan, đề nghị công nhận liệt sĩ cho chồng, tâm sự: “Dù tất cả đã được làm sáng tỏ, nhưng đến nay, tâm nguyện cuối cùng đối với chồng tôi vẫn chưa thực hiện được, đó là đề nghị Nhà nước công nhận liệt sĩ cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi”.
Từ khi các cấp tòa tuyên như trên, bà Mai đã lặn lội gõ cửa các cơ quan chức năng đề nghị công nhận liệt sĩ cho chồng. Không biết bao nhiêu đơn từ kiến nghị, trình bày, đề nghị… của bà đã được gửi đi tới các cơ quan chức năng, từ địa phương tới Trung ương suốt những năm qua.
Sau khi các cấp tòa có phán quyết cuối cùng, ngày 14/9/1991, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Minh Hải đã cấp Giấy báo tử số 01/GBT và đề nghị giải quyết chế độ liệt sỹ đối với Thiếu úy Dồi. Đồng thời, Bộ đội Biên phòng tỉnh chuyển hồ sơ qua Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Cà Mau (tỉnh Minh Hải cũ).
Theo Văn bản số 337/LĐTB&XH ngày 1/4/2016 của Sở LĐTB&XH Cà Mau gửi Bộ LĐTB&XH, Cục Người có công: “Do thời điểm ông Lữ Anh Dồi chết là thời bình nên việc công nhận ông Dồi là liệt sĩ còn gặp khó khăn nên Sở LĐTB&XH đã có Công văn số 14/LĐ-TB&XH ngày 4/10/1991 gửi Bộ LĐTB&XH xin ý kiến về việc công nhận liệt sỹ đối với trường hợp chết của Lữ Anh Dồi”.
Ngày 18/7/1995, Bộ LĐTB&XH đã có Công văn số 2493/CSTBLS-CV gửi Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Biên phòng đề nghị xem xét có ý kiến việc ông Dồi có đủ điều kiện công nhận liệt sỹ hay không, nhưng đến nay vẫn không nhận được phản hồi của Bộ Tư lệnh Biên phòng.
Sau một thời gian dài bà Mai kiên trì nhiều lần gửi đơn thư, chờ đợi câu trả lời, tháng 12/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có Văn bản số 6769/UBND-XV giao cho Giám đốc Sở LĐTB&XH Cà Mau xin ý kiến của Bộ LĐTBXH, Cục Người có công về trường hợp hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ đối với Thiếu úy Dồi.
Ngày 21/2/2016, Sở LĐTB&XH Cà Mau đã chủ trì cuộc họp với đại diện của một số sở, ban, ngành cấp tỉnh như Công an, Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Thanh tra, Bảo hiểm xã hội và Hội Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau để xem xét giải quyết đơn yêu cầu của bà Mai.
Tại cuộc họp này, các cơ quan trên đồng thống nhất đề nghị phong tặng danh hiệu liệt sĩ cho Thiếu úy Dồi với ba lý do: Thứ nhất, TANDTC đã có kiến nghị phục hồi chế độ chính trị và giải quyết chế độ chính sách cho Thiếu úy Dồi. Thứ hai, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Minh Hải đã có Giấy báo tử số 01/GBT ngày 14/9/1991 thể hiện Thiếu úy Dồi đã hy sinh. Thứ ba, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Minh Hải có xác nhận trường hợp Thiếu úy Dồi là được phân công đi công tác.
Vì thế, tại Công văn số 337/LĐTBXH gửi Bộ LĐTB&XH, Cục Người có công, Sở LĐTB&XH Cà Mau đề nghị xem xét cái chết của Thiếu úy Dồi “có đủ điều kiện được công nhận là liệt sĩ hay không, nếu đủ điều kiện công nhận là liệt sĩ thì thẩm quyền của cơ quan nào hướng dẫn khai lập hồ sơ”. Trước đó, đơn vị này đã gửi đến Bộ LĐ-TB&XH toàn bộ hồ sơ có liên quan đến việc công nhận liệt sỹ với Thiếu úy Dồi.
Mới đây, bà Mai đã được Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung tiếp, lắng nghe đề nghị. Sau đó, Bộ trưởng đã chỉ đạo Cục Người có công chuyển đơn của bà Mai đến Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng), đề nghị Cục Chính sách căn cứ quy định hiện hành giải quyết theo thẩm quyền, đề xuất trước khi đề nghị Bộ LĐTB&XH xem xét công nhận liệt sỹ.
Gần 40 năm đã qua, thời gian và sự khổ ải đã khiến bà Mai từ cô gái thanh xuân trở thành người đàn bà già nua nhưng kiên định.
“Trên hành trình tìm lẽ phải cho chồng, tôi đã được sự ủng hộ, động viên của nhiều người, trong đó có cả các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Việc anh Dồi không phạm tội “phản bội Tổ quốc” đã được cơ quan chức năng khẳng định. Gần đời người qua đi, giờ đây tâm nguyện cuối cùng, cũng là mong mỏi lớn nhất của tôi là các ngành chức năng xem xét, giải quyết để sớm công nhận liệt sỹ cho chồng tôi. Chỉ có thế, tôi mới an lòng mà nhắm mắt...”, bà Mai kiến nghị.