Xem các anh như người thân
Quảng Trị những ngày tháng 7 trời nhuốm vàng ánh nắng, tiết trời oi bức, xen lẫn trong mùi nắng khét lẹt là những trận gió Lào khô khốc. Thế nhưng, mặc sự hà khắc của thời tiết những dòng người hành hương về miền đất lửa vẫn nối dài nhịp bước.
Trong những ngày này bầu trời Quảng Trị như nhòa trong nhang khói thiêng liêng. Từ cầu Hiền Lương, sông Bến Hải đã từng chia cắt đau thương, đến Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9 mênh mang đại ngàn ru giấc nghìn thu cho hàng vạn liệt sỹ, rồi Thành cổ Quảng Trị mỗi tấc đất, mỗi ngọn cỏ mang tên một Anh hùng... đâu đâu cũng tràn ngập cờ hoa và nhang nến.
Giữa không khí hào hùng và sâu lắng nghĩa tình của những ngày hướng về nguồn, về lại mảnh đất tri ân, PLVN muốn kể về một con người từng được nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu – một người lính từng tham gia chiến đấu tại Thành cổ - đặt cho tên gọi thân mật “ông Thủ từ Thành cổ” để hàm ý chỉ người luôn giữ lư hương, thắp hương ở Thành cổ hàng chục năm qua. Đó là ông Phan Văn Phong (SN 1957, trú tại phường 1, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) hiện là Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Trị.
Tổng Biên tập Đào Văn Hội gắn phù hiệu Báo PLVN cho ông Phan Văn Phong tại Nghĩa trang Thành cổ. |
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở một làng quê nghèo của huyện Triệu Phong, Quảng Trị, từ những ngày tấm bé, ông Phong đã được cha và các bậc cao niên trong làng kể về sự hi sinh thầm lặng của những người đã chiến đấu để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
Đồng thời, chứng kiến nhiều cuộc chiến tàn khốc mà Mỹ - Ngụy gây ra ngay tại nơi chôn nhau cắt rốn nên sau khi hoàn thành chương trình học ở miền Bắc, ông Phong quyết trở về quê để công tác với mong muốn đóng góp một phần sức lực nhỏ bé dựng xây lại mảnh đất hoang tàn, đổ nát ấy.
Và rồi, ông được nhận vào làm ở Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Triệu Phong ở bộ phận Kế hoạch thống kê.
Mặc dù lúc đó mới chỉ mười tám, đôi mươi nhưng trong tâm thức của chàng thanh niên trẻ ấy vẫn kiên định với những quyết tâm phải trả nợ công ơn những người đã nằm xuống vì sự bình yên của quê hương. Có lẽ chính vì suy nghĩ ấy mà khi chiến tranh biên giới năm 1979 xảy ra, ông Phong hăng hái nhập ngũ theo lời kêu gọi tổng động viên của nước nhà.
“Trong thâm tâm tôi các anh cứ như những người thân nên hễ có cơ hội hay điều kiện tôi đều cố gắng hoàn thành những ước vọng hay công việc mà các anh đang dang dở. Mỗi lúc làm được một việc làm ý nghĩa tôi đỡ thấy bứt rứt, áy náy bản thân khi mình được hưởng thụ cuộc sống độc lập, tự do nhờ trên xương máu của cha anh đổ xuống”, ông Phong ngậm ngùi.
Cuộc chiến kết thúc, ông tiếp tục trở ra Quảng Bình học thêm tấm bằng về kinh tế ở Trường Trung cấp Kinh tế Bình Trị Thiên. Tháng 9/1989, khi thị xã Quảng Trị được tái lập ông Phong được chuyển về công tác tại đây, nắm giữ nhiều chức vụ và trở thành Chủ tịch UBND thị xã trong nhiều năm.
Cũng bởi mang trong lòng nỗi day dứt khôn nguôi khi ở trong 16ha diện tích của Thành cổ nhỏ hẹp ấy, hàng nghìn hài cốt của các chiến sỹ giải phóng quân vẫn nằm dưới đó. Các anh hy sinh nhưng hình hài không còn nguyên vẹn, máu và xương thịt của các anh đã hòa vào lòng đất, vào dòng sông Thạch Hãn huyền thoại.
Tất cả các anh chỉ nằm trong một nấm mồ chung mà chẳng thể nào phân định gọi tên nên kể từ ngày chuyển công tác về thị xã Quảng Trị, người lãnh đạo ấy vẫn luôn cố gắng để hoàn thành trọng trách của một người đầu tàu, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được đề cao chú trọng.
Ông Phong cho hay, mỗi lúc người dân chuẩn bị xây nhà hay địa phương sắp thi công xây dựng những công trình, trụ sở hành chính... ông lại đến từng cửa ngõ dặn dò bà con cố gắng đào sâu hơn chút để xem trong phần đất ấy có hài cốt nào của các liệt sỹ còn sót lại không, kẻo khi dựng nhà lên rồi thì rất khó để di dời và hơn hết là không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của các anh.
Nhờ sự thấu đáo này của ông mà ở thị xã Quảng Trị rất hiếm xảy ra tình cảnh phải dịch chuyển nhà vì phát hiện hài cốt liệt sỹ ở dưới nền móng.
Rồi cứ mỗi chiều cuối tuần, sau khi từ cơ quan trở về nhà ông Phong đều ghé vào Thành cổ thắp nhang trên Đài tưởng niệm. Rồi lặng lẽ dạo quanh Thành cổ và tự răn mình, cố gắng luôn giữ vững tâm đức trước sự cám dỗ và những bon chen, xô bồ của cuộc sống hiện đại.
Và đến giờ, thói quen đó như ăn sâu vào nền nếp của người đàn ông ấy, nên có những hôm dù lịch công việc dày kín ông vẫn cố gắng tranh thủ ngay sau khi hoàn thành lại vào đó thắp hương, tĩnh tâm suy ngẫm cuộc đời.
Vào những ngày thường đã vậy, đến mỗi khi lễ, Tết ông hầu như có mặt suốt ở Thành cổ để chuẩn bị các phần nghi lễ mỗi khi nơi đây tổ chức “Lễ hội đêm Thành cổ”. Hay trực tiếp phụ trách đón tiếp các đoàn thăm viếng từ cơ quan Trung ương, đến những đoàn cựu chiến binh hay thân nhân các gia đình liệt sỹ, lắng nghe những tâm sự, câu chuyện xúc động về người lính ở chiến trường Thành cổ năm xưa.
Và trong số muôn vàn ký ức đó có một kỷ niệm luôn in mãi trong tâm thức ông. Đó là câu chuyện xảy ra mười mấy năm trước, lúc ấy ông đang là Chủ tịch thị xã.
Hôm đó, có một đoàn cựu chiến binh từ TP.Vinh (Nghệ An) dẫn một bà mẹ 85 tuổi có con hy sinh tại Thành cổ mà không tìm được hài cốt ghé về chiến trường xưa thắp hương tưởng nhớ. Thấy mẹ đã già yếu lại sống một mình nên ông Phong bàn với anh em trong cơ quan tổ chức lễ thượng thọ cho mẹ ngay tại nơi người con trai duy nhất đang yên nghỉ.
Mâm cơm mừng thọ cùng với một món quà là bộ vải may áo dài được ông Phong gấp rút chuẩn bị khiến mẹ, cũng như mọi người có mặt tại buổi lễ đặc biệt ấy đều xúc động.
Ông Phan Văn Phong cùng đoàn công tác của Báo PLVN dâng hương tại nghĩa trang Thành cổ. |
Nhắc đến đây, ông Phong trầm ngâm: “Lúc đó, ý nghĩ này bất ngờ lóe lên nên tôi quyết định sắp xếp công việc để tổ chức cho mẹ. Khi trao món quà cho mẹ, tôi có nói:
“Nếu con trai của mẹ còn sống thì lễ thượng thọ hôm nay anh ấy sẽ làm chu toàn và đầy đủ hơn. Nhưng vì con trai mẹ vì gìn giữ hòa bình cho mảnh đất Quảng Trị nên đã vĩnh viễn nằm lại tại đây, vì thế con xin được thay mặt cho toàn thể nhân dân thị xã xin thay anh ấy thực hiện nghĩa vụ này”, nghe xong mẹ ngân ngấn nước mắt nhìn chúng tôi đầy xúc động”.
“Trong thâm tâm tôi các anh cứ như những người thân nên hễ có cơ hội hay điều kiện tôi đều cố gắng hoàn thành những ước vọng hay công việc mà các anh đang dang dở. Mỗi lúc làm được một việc làm ý nghĩa tôi đỡ thấy bứt rứt, áy náy bản thân khi mình được hưởng thụ cuộc sống độc lập, tự do nhờ trên xương máu của cha anh đổ xuống”, ông Phong ngậm ngùi.
Những trăn trở khôn nguôi
Theo lời ông phong kể, tại Thành cổ Quảng Trị những năm 1972, có rất nhiều sinh viên còn rất trẻ từ ngoài Bắc vào tham gia trận chiến. Nhiều người trong số đó nay đang nắm giữ các trọng trách quan trọng trong bộ máy nhà nước, như các ông Đinh Thế Huynh, Nguyễn Quốc Triệu, Nguyễn Huy Hiệu, Nguyễn Khắc Nghiêm...
Bất kỳ có chuyến công tác nào ở Quảng Trị những chiến sỹ năm ấy đều trở lại Thành cổ để thăm đồng đội. Dù cho mỗi người một vị trí khác nhau nhưng cùng có một điểm chung, đó là tuổi tác và thời gian không thể xóa nhòa được dư âm hào sảng của năm tháng chiến trường gắn bó bên nhau, vào sinh ra tử, với tâm hồn trong sáng, vô tư và tình yêu cuộc sống thiết tha của một thời sinh viên - chiến sĩ.
Quảng Trị giờ như quê hương thứ 2, vì vậy mà mỗi lúc chưa thể ghé về miền đất ấy, họ gọi điện cho ông Phong dặn dò việc hương khói giúp anh em ở ngoài này.
Và trong nhiều năm làm việc ở thị xã, ông Phong vẫn cố gắng tổ chức các lễ tưởng niệm những người con nước Việt đã ngã xuống trên mảnh đất Thành cổ một cách chu toàn như thả hoa đèn trên sông Thạch Hãn, hay “Đưa quê hương vào cho đồng đội” (2 lễ hội do nhà báo Lê Bá Dương khởi xướng)...
Ngoài ra, cũng suốt 6 năm qua, vào mỗi dịp tháng 7, khi Đoàn công tác của Báo PLVN tổ chức hành hương về miền đất lửa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ, cũng như các địa danh lịch sử khác trong tỉnh, ông Phong đều nhanh chóng cùng Đoàn đi khắp tỉnh trao những món quà ấm áp cho bà con, cùng đoàn viếng các nghĩa trang liệt sỹ.
Chia sẻ về điều này, ông Phong cho biết rất trân trọng những việc làm ý nghĩa của Báo PLVN khi luôn hướng về nguồn, tu dưỡng đạo đức cho đội ngũ phóng viên để sống có trách nhiệm hơn với sự hy sinh của bao lớp cha anh đi trước. Đồng thời, mong muốn hoạt động này sẽ được Báo PLVN tiếp tục gìn giữ, phát huy.
Mặc dù bây giờ không còn công tác ở thị xã nữa và thời gian gần Thành cổ không nhiều như trước nhưng ông Phong vẫn luôn dành những khoảng thời gian về nơi ấy, thắp nén nhang thành kính để giữ hơi ấm cho nấm mồ chung, để các anh không lạnh lẽo ở giữa miền đất khách.
Và rồi trong sâu thẳm tâm can người đàn ông ấy vẫn luôn canh cánh khi những nỗi trăn trở khi bản thân vẫn chưa làm tốt chính sách hậu phương. Hay những khi chứng kiến cảnh thân nhân các liệt sỹ gào khóc gọi tên các anh trên đất Thành cổ ông lại day dứt mãi, bởi đến lúc nằm xuống cho nền hòa bình dân tộc những người lính ấy cũng chẳng thể đoàn tụ với gia đình trên chính mảnh đất quê hương.
Mong muốn đưa các anh về chính quê cha đất Tổ đã hơn bốn mươi mấy năm qua đến giờ chúng ta vẫn không thể thực hiện được.
“Tri ân, tưởng nhớ các anh để thấy lòng mình thanh thản, để vượt qua những ham muốn tầm thường. Dù chúng ta hôm nay có làm bao nhiêu đi chăng nữa về vật chất cũng không thể bù đắp được công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ.
Tôi mong rằng, thế hệ hôm nay, nhất là lớp trẻ cần phải cố gắng hoàn thiện những tâm niệm mà cha ông ta đã bỏ ngỏ, chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa và xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh để xứng đáng với sự hy sinh thầm lặng ấy”, ông Phong nhắn nhủ.