Vụ bắt cóc ly kỳ nhất trong lịch sử Mỹ

(PLO) - Tối ngày 1/3/1932, cậu bé Charles 20 tháng tuổi, bị mất tích trong một bối cảnh bí hiểm. Khoảng 8 giờ tối bà vú Betty Gow đặt bé Charles vào nôi đi ngủ. Chừng một tiếng rưỡi sau, cha của bé – lúc này đang trong phòng khách - nghe thấy một tiếng động mạnh sau nhà nhưng ông không để" ý. Đến khoảng 10 giờ đêm, Betty quay trở lại phòng thăm em bé, nhưng không thấy người đâu. Vội vàng xuống lầu, Betty ghé qua phòng bà chủ nhưng ở đó cũng không có bé Charles.

Vụ mất tích chấn động cả Tổng thống

Được tin, người cha chạy vội lên phòng con lục soát và phát hiện một phong thư trên thành của sổ. Ông liền gọi ngay cho cảnh sát, luật sư riêng rồi cùng vợ và vú em tìm kiếm con trai trong và ngoài ngôi biệt thự nghỉ mát đang xây dở nhưng không thấy gì.

Bé Charles Lindbergh trùng tên với cha
 Bé Charles Lindbergh trùng tên với cha
Trong khoảng 20 phút đó, cảnh sát, quân đội tiểu bang đã có mặt tại hiện trường kéo theo một… rừng phóng viên. Cha của cậu bé mất tích là nhân vật được ngưỡng mộ nhất nước Mỹ thời kỳ đó - Đại tá phi công Charles Lindbergh, người một mình một phi cơ, từ Mỹ bay xuyên qua Đại Tây Dương, hạ cánh an toàn xuống Châu Âu.

Cuộc lục soát tìm kiếm kết thúc vô vọng. Bức thư mà đại tá Charles Lindbergh tìm thấy được mở ra sau khi các chuyên viên không tìm thấy bất kỳ dấu tay nào trên đó. Đó là thư đòi khoản tiền chuộc 50.000 USD viết bằng thứ tiếng Anh có lẽ là của một người gốc Đức và đầy lỗi chính tả.

Ban đầu, cảnh sát trưởng Harry Wolfe của thị trấn Hopewell tổ chức điều tra, tuy nhiên họ không tìm được nhiều dấu vết  gì khác ngoài một cái thang gỗ được đóng sơ sài bị gãy cùng một vài dấu chân ở sau ngôi nhà nghỉ của đại tá Lindbergh. Vì ông là người hùng của nước Mỹ nên có nhiều nhân vật quan trọng ra tay nghĩa hiệp.
Đại tá Lindbergh và những người bạn cho rằng vụ bắt cóc có bàn tay của bọn tội phạm có tổ chức. Bỏ qua cảnh sát, họ tìm kiếm người trung gian để liên lạc với chúng. Đáp lại, một vài băng đảng, trong đó có trùm maphia Al Capon, từ trong tù hứa sẽ giúp đỡ để đổi lấy tiền bạc hoặc được ân giảm án, tuy nhiên các đề nghị này đều bị từ chối.

Đích thân Tổng thống Mỹ Herbert Hoover cũng lưu tâm đến vụ bắt cóc và mặc dù theo luật thời đó bắt cóc là tội phạm cấp tiểu bang nhưng ông Hoover vẫn ra lệnh cho Cơ quan điều tra liên bang, lực lượng bảo vệ bờ biển, hải quan và sở di trú liên bang hỗ trợ điều tra. Chính quyền và gia đình treo khoản tiền thưởng 75.000 USD cho ai tìm được bé Charles.

Manh mối từ thư đắt giá

Vài ngày sau vụ bắt cóc, đại tá Lindbergh nhận được một bức thư mang dấu hiệu của kẻ bắt cóc với dấu bưu điện từ khu Brooklyn của New York. Thay vì đưa thư cho cảnh sát, vị đại tá lại chuyển nó cho người trung gian để giao tới các “ông trùm”. Trên thực tế, bức thư này rơi vào tay tòa soạn tờ Daily News và đã có kẻ nào đó chụp ảnh nó. Bản sao của bức thư được bán đầy phố với giá 5 USD.
Bức thư đòi tiền chuộc
Bức thư đòi tiền chuộc 
Rồi một bức thư nữa của kẻ bắt cóc lại được gửi tới cho đại tá Lindbergh, cũng đóng dấu bưu điện Brooklyn. Khi đó, cảnh sát trưởng New York Ed Mulrooney đề nghị tổ chức giám sát các trạm bưu điện Brooklyn để khoanh vùng và tổ chức lục soát rộng rãi để tìm đứa bé. Tuy nhiên, đại tá Lindbergh bác đề nghị này vì lo cho tính mạng của con trai mình. Thậm chí ông còn đe dọa dùng ảnh hưởng của mình làm cho Mulrooney mất chức nếu ông ta khăng khăng thực hiện kế hoạch của mình.
Một ngày sau đại tá Lindbergh nhận thêm một lá thư – cũng đóng dấu bưu điện Brooklyn - cảnh báo ông không được để cảnh sát can thiệp vào và nâng tiền chuộc lên 70.000 USD.
Đúng lúc này, giáo sư 72 tuổi về hưu tên John F. Condon đăng một mẩu quảng cáo trên tờ Home News xuất bản trong vùng Bronx tự nguyện đóng góp 1000 đô vào số tiền chuộc mạng và tình nguyện làm trung gian giữa bọn bắt cóc với gia đình Lindbergh.
Ba ngày sau, Condon nhận được một lá thư từ bọn bắt cóc gửi  ông và đại tá Lindbergh, chấp nhận ông là người môi giới chính thức. Condon cho đăng một mẩu quảng cáo trả lời có nội dung “Tiền đã sẵn sàng, Jafsie”.
Cuộc gặp bí mật giữa Condon – với biệt danh Jafsie - và kẻ tự xưng là John, một thuỷ thủ người Scandiavia, đại diện nhóm bắt cóc gồm 3 nam, 2 nữ diễn ra trong một nghĩa địa. John nói bé Charles đang an toàn, sống trên một chiếc thuyền và hắn sẽ gửi bằng chứng là bộ đồ ngủ của bé Charles mặc đêm bị mất tích. Lúc này cảnh sát New York phát hiện ra mẩu quảng cáo của Condom, họ đề nghị để cảnh sát bám theo Condom nhưng bị đại tá Lindbergh phản đối.
Hôm 16/3/1932 Condon nhận được bộ đồ ngủ gửi qua bưu điện, đại tá Lindbergh nhận ra nó là của con trai ông. Condon liền đăng tin lên báo : “Tiền đã sẵn sàng. Không có cớm. Tôi đến một mình như lần trước”. Ngày 1/4 Condom nhận được thư trong đó những kẻ tự xưng đã bắt cóc bé Charles chấp nhận đổi người lấy tiền chuộc.
Ngày 2/4 ông Condon đã trao 70.000 USD cho tên John và hắn cho biết bé Charles đang ở chiếc thuyền tên Nelly, đậu gần vùng New Bedford ngoài khơi tiểu bang Massachusetts. Đại tá Lindbergh đã bỏ hai ngày lái máy bay tìm kiếm vòng quanh vùng vịnh New Bedford nhưng không tìm thấy chiếc tàu Nelly.

Bí mật đau đớn và hành trình điều tra nan giải

Cuộc truy tìm bé Charles dừng  vào đầu tháng 5/1932 sau khi một tài xế phát hiện ra thi thể của cậu bé. Xác đã thối rữa gần hết, chỉ có bộ xương là gần nguyên vẹn, các chuyên gia pháp y khẳng định: Nạn nhân chết vì bị đập đầu đến nứt sọ. Bà vú Betty Gow và đích thân đại tá Lindbergh đều xác nhận đó là xác bé Charles.
Thủ phạm Bruno Richard Hauptmann
 Thủ phạm Bruno Richard Hauptmann
Trong lúc đại tá Lindbergh mải lo thương thảo tiền chuộc thì cảnh sát điều tra những người có liên quan với gia đình ông. Một cô hầu phòng vì bị lấy cung gắt gao đã uống thuốc độc tự tử.  Sau việc trao đổi bất thành, cảnh sát nghi ngờ cả Condom, nhà ông bị lục soát nhưng không tìm thấy bằng chứng nào chống lại ông.

Trong nhiều tháng liền, cuộc điều tra tưởng chừng bị tắc nghẽn nhưng điều tra viên James J. Finn của Sở cảnh sát New York và thám tử Thomas Sisk vẫn âm thầm làm việc. Họ bỏ công theo dõi đường đi của số tiền chuộc. Số là khi chuẩn bị tiền chuộc người ta đã đưa vào đó một số lượng lớn loại giấy bạc ấn vàng (gold certificate) - một loại giấy bạc Mỹ được phát hành trong thời kỳ 1863-1933, có thể đổi ra vàng tại các ngân hàng. Mặt các các tờ giấy bạc loại khác cũng được FBI ghi lại số serie.

Ngày 5/4/1933, Mỹ tuyên bố bãi bỏ chế độ kim bản vị, chính phủ ra lệnh thu hồi hết các giấy bạc có ấn vàng để đổi thành giấy bạc mới không có vàng đảm bảo và đây là cơ hội tìm ra manh mối của hung thủ. Quả thực, cảnh sát đã truy theo một vụ đổi 2.980 USD giấy bạc ấn vàng nhưng kết quả rất bi thảm: Cả một gia đình bị tình nghi, trong đó một người trong số họ đã tự tử vì bị thẩm vấn quá gắt gao. Dư luận nghi ngờ kết luận của cảnh sát rằng người này là đồng phạm.
Hơn một năm sau, tối ngày 18/9/1934 một nhân viên ngân hàng Corn Exchange nhận được từ một chủ cây xăng tờ 10 Mỹ kim có ấn vàng, với hàng chữ "4U-13-41 NY" viết bằng viết chì ở rìa. Vì loại tiền này đã không còn được lưu hành và nhận ra hàng chữ giống như số xe nên nhân viên ngân hàng điện thoại ngay cho cảnh sát.
Họ lục hồ sơ và tìm ra chủ xe là Bruno Richard Hauptmann, một thợ mộc người Đức nhập cư đã sống ở đây 10 năm, ngụ trong khu Bronx. Hauptmann bị bắt giữ với một tờ giấy bạc 20 Mỹ kim có ấn vàng trong ví, tờ bạc này có số serie nằm trong số tiền chuộc đã trao. Trong gara của hắn người ta tìm thấy một ngăn bí mật trong tường có hai gói giấy báo và một hộp sơn cũ nhồi đầy những tờ giấy bạc có ấn vàng. Cả thảy đếm được 13.760 USD, tất cả đều nằm trong số những tờ bạc được dùng để trả tiền chuộc.
Hauptmann khai số tiền này là của một người hùn hạp làm ăn chung tên là Isidor Fisch. Sau khi người này đã về Đức cuối năm 1933, hắn tình cờ phát hiện thấy tiền của Fisch trong hộp đựng giầy nên bắt đầu xài số tiền mà Fisch còn thiếu hắn.
Hauptmann bị đưa ra tòa năm 1935 và bị tuyên án tử hình. Ngày 3/4/1936, Hauptmann bị hành quyết trên ghế điện trong nhà tù tiểu bang New Jersey ở Flemington. Tuy nhiên, trong suốt thời gian từ khi bị bắt cho đến phút trút hơi thở cuối cùng, y vẫn một mực kêu oan.

Đọc thêm