Cây thị sống lại sau 3 thập niên chết khô, nối tiếp cuộc đời vắt qua 5 thế kỷ

(PLO) - Những người già trong dòng họ cũng như tại địa phương cho biết, trước đây cây thị trên được trồng đối xứng cùng với một cây mít nhưng do một lần trúng bom Mỹ - Ngụy những năm chiến tranh nên cây mít đã bị chết.
Cây thị sống lại sau 3 thập niên chết khô, nối tiếp cuộc đời vắt qua 5 thế kỷ

“Chứng nhân” 5 thế kỷ

Gia phả phái Thân Văn ghi chép cụ thể: vào năm 1698, niên hiệu Chánh - Hoà thứ 16, đời Vua Lê - Hy - Tôn, ngài Thuỷ tổ Thân Văn Thẩm khi dạy học ở làng Nguyệt Biều, tổng Cư Chánh, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế ( nay là phường Thuỷ Biều, Tp Huế) đã mang cây thị này về trồng tại vùng bán sơn địa Dương Xuân Hạ làm mốc địa giới cho hậu duệ, đánh dấu sự có mặt của dòng họ Thân.

Ông Thân Văn Trợ, trưởng tộc phái Thân Văn kể lại: “Ông tổ trên đường chọn tìm nơi định cư mới đã chọn vùng đất Dương Xuân Hạ có khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phì nhiêu để gây dựng cơ đồ. Tất cả giấy tờ liên quan cũng như gia phả môn phái, gia phả dòng họ đều ghi lại như vậy”.

Những người già trong dòng họ cũng như tại địa phương cho biết, trước đây cây thị trên được trồng đối xứng cùng với một cây mít nhưng do một lần trúng bom Mỹ - Ngụy những năm chiến tranh nên cây mít đã bị chết.

Theo hồ sơ của cơ quan cấp giấy chứng nhận cây di sản, cây thị cổ thụ này còn gắn bó với cuộc chiến đấu chống ngoại xâm kiên cường của địa phương. Khu vực gốc cây thị và xung quanh cây có hàng chục hầm ngầm giúp cố Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thân Trọng Một cùng các chiến sĩ ẩn nấp chiến đấu. Dẫn chúng tôi quanh vườn, ông Trợ cho biết trước đây cách vị trí cây thị chừng 10m có đường khe rất sâu là mật đạo hoạt động của lực lượng cách mạng địa phương. Đó cũng đã lí do tại sao quân địch liên tục dùng bom xăng thiêu rụi khu vực có cây thị: “Trước đây bóng cây rậm mát lắm, có thể lên đi bộ từ cành cây lên tới ngọn, bị bom đạn cắt phá nên những cành lớn không còn”, ông Trợ nhớ lại.

Lật gia phả , trưởng phái Thân Văn Trợ cho hay cây thị đến nay đã sống qua 11 đời của dòng họ kể từ khi ngài Thuỷ tổ đến ngụ cư tại làng Dương Xuân Hạ. “Nếu tính tuổi bằng thế kỷ thì “cụ” đã sống qua 5 thế kỷ”, ông Trợ nhẩm tính.

Cây thị 315 năm tuổi
Cây thị 315 năm tuổi 

Sống lại sau 30 năm chết khô

Người trong làng, trong dòng họ tôn kính “cụ” thị này vì tuổi của “cụ” cao, mà cây còn có một sức sống mãnh liệt. “Quãng đời” 30 năm chết khô rồi sống lại của “cụ” là câu chuyện được người dân địa phương truyền tụng nhiều nhất.

Ông Trợ cho biết, năm 1968, trong chiến dịch tổng tiến công Tết Mậu Thân, cây bị trúng bom xăng của Mỹ - Ngụy nên lá cây bị thiêu rụi hoàn toàn, trơ thân cành trơ trụi, rồi những cành nhỏ cũng dần gãy. “Ruột cây cũng bị bom đạn làm thối nên rỗng từ gốc đến ngọn, khi đốt lửa dưới gốc cây thì người ta thấy khói nhả ra trên đỉnh cây, giống y như một cái ống khói khỏng lồ”, ông nhớ lại.

Một thời chiến tranh ác liệt đã ghi dấu ấn trên cây thị khổng lồ. Cây từng hứng nguyên một quả đạn pháo khiến thân toác ra một lỗ thủng có đường kính rộng đến 30cm mà như lời ông Trợ nói: “Ngày xưa bọn trẻ chơi trốn tìm vẫn chui qua lỗ thủng này để vào ruột cây để nấp”.

Cây thị khổng lồ bầm dập những vết thương, trơ thân khô gày guộc suốt gần 30 năm nhưng không người nào trong dòng họ nỡ đốn hạ cây. Ông Trợ nói: “Cây gắn bó với ông tổ của dòng họ, chứng kiến bao nhiêu thăng trầm thời gian, sự phát triển của dòng họ nên không ai coi “cụ” là cây, mà coi như một người thân và không ai nỡ lòng nào dám chặt hạ”. Năm 1998 sau khi họp dòng họ bàn bạc, thấy “cụ” chết khô 3 thập niên mà cứ để “cụ” như vậy thì vừa là thương “cụ”, vừa làm khổ “cụ” nên mọi người quyết định: “Thôi thì buộc phải “tiễn” cụ đi”.

Điều kỳ diệu đã đến khi sáng ngày chuẩn bị đốn hạ cây, khi mọi người tay búa tay cưa đã tụ tập quanh gốc cây sẵn sàng vào việc thì ai cũng không thể tin vào mắt mình khi thấy trên thân cây lác đác có chồi non. Chỉ sau 1 đêm cây thị đã hồi sinh. Cả dòng họ không ai dám nói với ai lời nào, nem nép giấu cưa, giấu búa đi rồi hò nhau vun xới, tưới nước giúp cây hồi sinh sau 30 năm “chết giả”. Vỗ vỗ vào thân cây, ông Trợ giải thích: “Ruột “cụ” đã hư nên nay mọi chất dinh dưỡng cung cấp cho cành lá có lẽ đều được “cụ” vận chuyển qua vỏ cây”.

“Lộ diện” cây di sản

312 năm tuổi, chu vi thân 4,2m, chu vi bạnh vè hơn 10m, chiều cao lên tới 25m, nhiều người dân ở Huế thật sự kinh ngạc khi biết rằng giữa phố phường nhộn nhịp vẫn tồn tại một di sản hàng trăm năm tuổi. Chỉ đến khi được VACNE công nhận người ta mới sững sờ: “Cây thị nhiều tuổi thế rồi à”, một người dân sống cạnh nhà thờ phái Thân Văn đã thốt lên như vậy khi buổi lễ công nhận và gắn bia cây di sản diễn ra.

Ông Thân Văn Trợ, người từng găn bó, chăm sóc cây thị suốt cuộc đời cho biết trước đây chỉ nghĩ rằng cây do tổ tông trồng nên phải chăm sóc, gìn giữ chứ bản thân ông cũng không hay biết khái niệm “cây di sản” là thế nào. Chỉ vài năm trở lại đây một số con cháu ở xa về khi ngắm cây bèn buột miệng “cây này có lẽ sống lâu nhất ở Huế rồi nhỉ, mình nên làm hồ sơ gửi cấp trên”. Câu nói tưởng đùa khiến ông Trợ và các bô lão nhiều đêm trăn trở để đi đến quyết định lập hồ sơ đề nghị công nhân Cây di sản cho “cụ” thị trước nhà thờ họ.

Tiến sĩ Thân Trọng Ninh, người có công đầu trong việc “tìm danh hiệu” cho “cụ” thị kể lại: “ Chúng tôi làm hồ sơ gửi lên Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đầu năm 2009 . Những tư liệu trong gia phả họ Thân được kiểm chứng, đối chiếu với nhiều tài liệu khác để xác minh. Tài liệu phải có tính thuyết phục cao nhằm chứng minh được tuổi của cây. Đây chính là tiêu chí hàng đầu để trở thành cây di sản Việt Nam”.

Hiện nay cây thị tại nhà thờ họ Thân phát triển rất tốt, mỗi năm ra hoa vào giữa mùa xuân, đến giữa hạ có quả chín, lớp vỏ bị thủng đang dần liền lại nhanh chóng.